Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN
Ý tưởng này được nêu lên tại Hội nghị Lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019, tổ chức ở thành phố Bạc Liêu, ngày 14-12.
Đây là hội nghị thứ 2 được tổ chức về chủ đề này trong vòng 3 tháng sau hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 5/9/2019 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2019.
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có tiềm năng rất phong phú nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao; thiếu các nơi có đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng.
Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TPHCM đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn số liệu cho thấy năm 2018, lượng du khách đến ĐBSCL đạt 40 triệu lượt, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế đến ĐBSCL đạt 3,7 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017 và tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt 24 tỷ đồng.
Riêng 10 tháng của năm 2019, tổng lượng khách cả vùng ĐBSCL đạt 32 triệu lượt, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế.
Mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc về du khách, doanh thu nhưng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận sức hút của du lịch ở vùng này còn hạn chế so với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, con người.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Vietravel nêu ý tưởng xây dựng một thương hiệu du lịch chung để giới thiệu đến du khách quốc tế với “Mekong Delta”. Thực tế, du khách nước ngoài mỗi khi nói đến vùng ĐBSCL thường dùng tên gọi “Mekong Delta” để giới thiệu điểm đến này. Đối với du lịch nội địa, có thể dùng thương hiệu du lịch chung là “Hương sắc Nam bộ”, bởi đây là đặc trưng của vùng ĐBSCL so với các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL có thể phát triển thêm du lịch ẩm thực và du lịch thể thao.
“Nên chăng các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần ngồi lại xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực Nam bộ, trong đó mỗi tỉnh có thể đăng cai sự kiện “Ẩm thực Nam bộ” một năm để tạo sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách hàng năm. Vùng Nam bộ hiện nay ít có các sự kiện thể thao để thu hút du khách, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Kỳ kiến nghị thêm.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc liên kết du lịch giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL phải khai thác được các tiềm năng lẫn nhau. Đơn cử, sản phẩm du lịch chủ yếu của TPHCM là du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm) còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng... vì vậy, cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể. Trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quâ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh.
Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TPHCM và ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lặp. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo MK (Chính phủ)