Xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang

20/11/2023 - 06:12

 - Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, các cấp ủy Đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng con người phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hóa An Giang lành mạnh.

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, như: Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống tệ nạn xã hội…

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nay là Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Tỉnh ủy chỉ đạo đưa việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, nay là Chỉ thị 05- CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Bộ Chính trị trở thành một trong những nội dung để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm. Qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các tổ chức cơ sở Đảng đẩy mạnh thực hiện với nhiều cách làm mới, mô hình thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống của con người Việt Nam trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học. Các cấp ủy Đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương coi trọng giáo dục đạo đức công dân, giáo dục truyền thống lịch sử trong cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng. Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ cho người dân thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.

Sôi nổi các phong trào thể dục - thể thao trong Nhân dân

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, môi trường văn hóa là nội dung chủ yếu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đó, ban chỉ đạo phong trào các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện: Khu dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, khu dân cư "4 không, 4 giảm" (ma túy, mại dâm, tội phạm, tai nạn giao thông), tuyến phố văn minh đô thị; phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; người dân tham gia giám sát các công trình do Nhân dân đóng góp theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”…

Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là ngành văn hóa tích cực vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nơi công cộng, xây dựng Quy ước khóm, ấp văn hóa, ứng xử lịch sự trong giao tiếp, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; chấp hành kỷ cương xã hội, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, bạo lực gia đình; phát huy truyền thống gia đình, dòng họ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong xây dựng môi trường văn hóa…

Kịp thời thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến cuộc sống của người dân, các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa; xã văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị… Đến nay, toàn tỉnh công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa (đạt 94% tổng số hộ); 879 khóm, ấp văn hóa (đạt 100%), 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (đạt 75%), 27 phường, thị trấn văn minh đô thị (đạt 72,97%).

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở trong các ngày lễ hội ở địa phương; duy trì và phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng; xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao ngày càng phát triển, nhiều tư nhân đầu tư các cơ sở thể dục thẩm mỹ, thể hình, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe của Nhân dân.

THU THẢO