Xe chữa cháy tự chế vùng quê

08/06/2020 - 06:33

 - Xe chữa cháy “nghiệp dư”, là tên gọi quen thuộc mà người dân xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn, An Giang) nói vui khi nhắc đến xe chữa cháy tự chế được hình thành từ nguồn xã hội hóa của người dân trên mảnh đất này. Xe tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, đầy tính nhân văn mà người dân thôn quê dành cho nhau!

Thoáng trông xe chữa cháy “miệt vườn” này ít ai nhận ra chức năng của nó là “chữa cháy”. Bởi, xe 4 bánh chỉ vừa đủ cho 1 lái xe và người ngồi bên cạnh. Chưa kể đến màu xanh lá cây tươi mới được khoác bên ngoài thoạt trông như 1 chiếc máy cày mới nào đó. Thế nhưng, dòng chữ vàng bên hông “xe chữa cháy” kèm theo số điện thoại bên dưới như muốn nói rằng: “Có sự cố cứ gọi tôi ngay!”.

Và, người lạ như chúng tôi thì cảm thấy thích thú, lạ lẫm với xe chữa cháy ấy là rất đương nhiên. Vậy mà, với bà con xã Vĩnh Khánh, xe chữa cháy tự chế tuy nhỏ nhưng là kết tinh của bao tấm lòng người dân nơi chốn thôn quê.

Cấu tạo của xe khá đơn giản, gồm: 1 thùng phuy có thể chứa 1.800-2.000 lít nước, 1 động cơ hoạt động (chạy bằng dầu), 1 máy nén và 2 ống dây (một để phun nước chữa cháy, một để bơm nước trực tiếp dưới sông lên thùng phuy). Vậy đó, mà tình nguyện viên tham gia “Đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ” này phải hơn 10 người; mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng, khi có điện thoại là có mặt tham gia chữa cháy ngay.

Là người khởi xướng, đưa ra ý tưởng và từng bước hiện thực hóa xe chữa cháy “nghiệp dư”, chú Bùi Trung Ơn (sinh năm 1952, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh) chia sẻ: “Trong một dịp đi TP. Hồ Chí Minh, tôi tình cờ phát hiện 1 chiếc xe chữa cháy tự chế đậu trong con hẻm nhỏ. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ đến quê mình, giá mà cũng có chiếc xe ấy thì tốt biết bao. Thế rồi, tôi mang ý tưởng trình bày với chính quyền địa phương. Được Đảng ủy, UBND xã đồng thuận, tôi bắt đầu tìm người chế tạo ra xe chữa cháy như đã từng thấy.

Với kinh phí 55 triệu đồng, tôi đã vận động bà con nhân dân trong xã đóng góp thêm. Nghĩ là sẽ rất khó khăn trong quá trình vận động nhưng thật bất ngờ, khi nghe nói đến xe chữa cháy tự chế, bà con ai cũng vui mừng và nhiệt tình đóng góp. Bởi, mọi người đều ý thức được ý nghĩa và hiệu quả của xe chữa cháy. Ví như khi có sự cố về hỏa hoạn xảy ra ở những nơi chật hẹp, đường nhỏ khó đi, thì xe chữa cháy nhỏ “tự chế” sẽ rất hữu hiệu. Thế là, hơn 5 năm qua, người dân xã Vĩnh Khánh đã quen thuộc với chiếc xe chữa cháy “của riêng” mình”.

Xe chữa cháy tự chế đã có, số điện thoại thì người dân ai cũng biết, ấy vậy mà chẳng ai mong muốn xe phải thực hiện nhiệm vụ cả. Vâng, có lẽ sự đặc biệt của mô hình xe chữa cháy vùng quê là ở chỗ đó. Vì thực tế, khi nghĩ ra cách làm hay, mô hình mới nào đó, người ta thường mong sẽ sớm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Còn với xe chữa cháy tự chế ở đây, tuy nước trong xe lúc nào cũng được bơm đầy, dầu cũng đầy bình và tài xế trong tư thế sẵn sàng, nhưng xe vẫn chưa một lần làm nhiệm vụ chữa cháy từ khi được tạo ra đến giờ.

“Nói thật, làm xe chữa cháy này, chúng tôi chỉ muốn an tâm hơn thôi, chứ thật tình không ai muốn phải dùng đến nó đâu! Bởi, cứ nhắc đến “giặc lửa” là ai cũng thất kinh hồn vía. Nơi nào không may gặp “bà hỏa” thì khổ lắm, vì tài sản và nhà cửa mất hết nhưng chẳng đau bằng thiệt hại về người. Nghĩ vậy, chúng tôi luôn tự giác chấp hành các quy định về PCCC để không phải sử dụng đến xe chữa cháy tự chế” - anh Trần Văn Nghĩa (sinh năm 1970, xã Vĩnh Khánh) bày tỏ.

Không chỉ mong muốn hỗ trợ kịp thời khi có “giặc lửa” ở địa phương, mà xe chữa cháy xã Vĩnh Khánh sẵn sàng phục vụ các địa phương lân cận nếu như có sự cố xảy ra. Có thể nếu nghe kể thôi, chúng tôi cũng “bán tín bán nghi” với hiệu quả của xe chữa cháy tự chế này. Song, khi bác tài lên điều khiển xe lăn bánh, bắt đầu gắn dây chữa cháy vào vòi và mở van thì công suất nước bắn lên cao đến hơn 30m, trông như con rồng phun nước đầy uy lực và dũng mãnh. Chú Ơn nói rằng, tuy không làm nhiệm vụ chữa cháy nhưng xe được tận dụng để tưới cây, hoa trên tuyến đường chính dẫn vào xã nên nếu có trục trặc gì là biết ngay.

“Ngoài kinh phí 55 triệu đồng được vận động ban đầu, vừa qua, UBND xã hỗ trợ và xã hội hóa thêm khoảng 16 triệu đồng để tu dưỡng chiếc xe chữa cháy của xã được hoạt động tốt hơn. Xe chữa cháy này là giải pháp hữu hiệu cho tình thế “nước xa không cứu được lửa gần”. Nếu như có sự cố về hỏa hoạn, xe sẽ phần nào giảm bớt thiệt hại cho người dân trong khi chờ lực lượng chức năng đến. Song, hy vọng người dân luôn nêu cao ý thức PCCC như thời gian vừa qua để bà con vui sống, ra sức xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Phạm Văn Suôl cho biết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích