RT dẫn lời các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng, sự phun trào của ngọn núi có thể khiến cho giao thông đường không bị ảnh hưởng.
Klyuchevskaya Sopka cao 4.649m, là ngọn núi lửa cao nhất ở lục địa Á - Âu. Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Nga xác nhận cột tro bụi mà núi phun lên trời hôm 27/4 cao khoảng 7.000m.
Klyuchevskaya Sopka nằm yên trong 3 năm qua rồi bắt đầu phun trào trở lại hồi tháng 10 năm ngoái, sau đó hoạt động âm ỉ.
Bán đảo Kamchatka là vùng đất hẻo lánh nằm ở khu vực Viễn Đông của Nga. Không có thành phố và thị trấn nào trong tầm bao phủ tro bụi của ngọn núi.
Các nhà nghiên cứu ở Học viện Khoa học Nga (RAS) đang theo dõi sát sao các hoạt động phun trào của nó vì nguy cơ gây gián đoạn giao thông đường không. Các chuyến bay dân sự hiện đang tạm ngừng vì Covid-19, nhưng máy bay chở hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động.
Núi lửa Klyuchevskaya Sopka trong một lần phun trào. (Ảnh: ABC)
"Các vệt tro từ núi lửa có thể lan xa hàng nghìn kilômét và giăng ngang các đường bay", vì vậy dự đoán tro bụi bay tới đâu là "cực kỳ quan trọng", RT dẫn lời Aleksey Ozerov, Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn thuộc Chi nhánh Viễn Đông của RAS.
Mức độ phun trào của Klyuchevskaya Sopka hiện nay được xếp vào mức "Cam" trong thang nguy hiểm vì rủi ro nó gây ra cho hàng không.
Theo THANH HẢO (Vietnamnet)