Các bị cáo tại phiên tòa ngày 2/4. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Bào chữa bổ sung cho bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư Giang Hồng Thành cho rằng, việc xác định số tiền thất thoát của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là có “ý nghĩa sống còn” trong việc xác định tội danh, hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác. Nếu SCB không thất thoát thì sẽ không có thiệt hại cũng như không bị chiếm đoạt.
Luật sư Thanh nhắc lại về luận điểm của cơ quan công tố trong phần tranh luận của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc Viện Kiểm sát không chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định tổng thiệt hại trong vụ án mà áp dụng nhiều biện pháp khác. Luật sư Thanh đặt câu hỏi “biện pháp khác” mà Viện Kiểm sát nhắc đến ở đây cụ thể là dựa trên nguyên tắc nào, phương cách nào. Luật sư Thanh cũng lập luận, Trương Mỹ Lan là một khách hàng lớn của Ngân hàng SCB; các khoản vay giải ngân của bị cáo đều có tài sản đảm bảo. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có báo cáo nào về việc bị cáo Lan không trả lãi cho SCB cũng như chưa có báo cáo nào thể hiện người dân muốn rút gốc và lãi khi đến hạn tại SCB mà không được trong thời gian 10 năm qua, như vậy cần đặt câu hỏi thiệt hại của SCB từ đâu ra.
Ngoài ra, luật sư Thanh cho rằng, Trương Mỹ Lan đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi đối mặt với nhiều quy kết nặng nề mang tính chất quyết định đến sinh mạng của bị cáo, bao gồm việc phải chịu trách nhiệm đối với cả những khoản vay không liên quan đến bị cáo, đồng nghĩa với trách nhiệm của bị cáo bị tăng lên và việc giá trị tài sản đảm bảo của bị cáo Lan bị định giá thấp xuống, nghĩa là quyền lợi của bị cáo bị giảm xuống. Những quy kết này, theo luật sư đã “đưa bị cáo vào cửa tử”.
Để chứng minh quan điểm đưa ra là bị cáo Lan có bản chất tốt đẹp, luật sư Thanh đã trình tòa tấm ảnh của một người lao động được cho là một trong số rất nhiều người từng chịu ơn giúp đỡ của Lan. Đồng thời, luật sư Thanh cũng dẫn chứng những lần bị cáo Lan tham gia hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân trong thời điểm dịch COVID-19.
Các luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan cũng cập nhật tình hình khắc phục hậu quả vụ án của bị cáo. Theo luật sư, gia đình Trương Mỹ Lan đề xuất ưu tiên xử lý 13 tài sản nằm ngoài danh mục kê biên với mong muốn khắc phục hậu quả một cách hiệu quả. Hiện gia đình bị cáo Lan đã liên hệ với quỹ Vantage Point (một trong những quỹ đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu châu Á) nhằm tìm kiếm giải pháp toàn diện liên quan đến SCB. Để đảm bảo các chuyển nhượng có giá trị cao nhất, gia đình bị cáo Lan đề nghị các bên liên quan làm việc với quỹ đầu tư này để có giải pháp tối ưu trong việc thu hồi tài sản, cũng như phát triển các dự án.
Riêng trường hợp tòa nhà Capital Place tại địa chỉ số 29 Liễu Giai (thành phố Hà Nội) đang được thế chấp cho các khoản vay tại 4 ngân hàng nước ngoài, hiện còn dư nợ tại Ngân hàng HSBC và OCBC Bank Singapore. Luật sư cho rằng, thời điểm đáo nợ là ngày 30/4/2024, khi tất toán xong, bị cáo Lan sẽ có quyền sử dụng tòa nhà để khắc phục hậu quả. Trong trường hợp, tòa nhà được bán và giải quyết các khoản nợ, phần còn dư, các ngân hàng sẽ giao lại cho Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan đề nghị các bên liên quan tìm kiếm các đối tác nhằm có được giá chuyển nhượng tốt nhất.
Từ thiện chí và nỗ lực khắc phục của Trương Mỹ Lan và gia đình, các luật sư một lần nữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh và mức hình phạt tử hình quá nghiêm khắc mà Viện Kiểm sát đề nghị đối với Lan.
Trước đó, trong phần đối đáp của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan là người nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối hoạt động tại SCB thông qua việc thâu tóm và sở hữu, chi phối hơn 91,5 % cổ phần của ngân hàng. Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Lan coi SCB như một công cụ tài chính, là nơi giữ tiền, bất cứ lúc nào cần tiền sử dụng sẽ chỉ đạo rút tiền ra để sử dụng vào mục đích cá nhân, đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, việc bị cáo Lan đưa tài sản đảm bảo vào là một phương thức, thủ đoạn phạm tội của bị cáo. Thực tế Lan không thiệt hại bởi SCB đã cho bị cáo lấy các tài sản này ra bằng cách rút, hoán đổi, mua lại bằng chính tiền giải ngân khoản vay theo phương án, dự án, số tài sản này với giá trị 55.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền SCB giải ngân thông qua phương án tái cơ cấu để trả cho các khoản nợ cũ là 57.000 tỷ đồng.
Từ những nhận định này, Viện Kiểm sát vẫn bảo lưu việc xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan về hai tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là có căn cứ, phù hợp pháp luật.
Cũng tại phiên tòa, luật sư Trần Minh Hải cho biết, gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella) đã nộp thêm 61 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Trong quá trình điều tra xét xử đến nay, Nguyễn Cao Trí đã tích cực hợp tác, vận động gia đình nỗ lực khắc phục hậu quả nhanh chóng, luật sư Hải mong Hội đồng xét xử xem xét và ghi nhận. Bị cáo Trí hiện bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 10 - 11 năm tù giam về tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi đó, luật sư của bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) cho biết, bị cáo Trước và gia đình đã khắc phục khoảng gần 2.300 tỷ đồng hậu quả vụ án, sau khi cấn trừ thiệt hại còn dư khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bị cáo còn 4 bất động sản đang bị kê biên cùng khối lượng tiền USD rất lớn bị phong tỏa trong giai đoạn điều tra và truy tố. Luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét đình chỉ kê biên với số bất động sản này vì bị cáo Trước đã khắc phục dư thiệt hại.
Bào chữa bổ sung cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), luật sư Nguyễn Thị Hải Hương nhắc lại cáo buộc của Viện Kiểm sát về việc bị cáo Nhàn biết rõ thực trạng tài chính yếu kém của SCB và đã lợi dụng điều này để thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) gặp, thông báo cho Trương Mỹ Lan về các sai phạm đã phát hiện; sau đó đưa ra các biện pháp giúp Trương Mỹ Lan và SCB đối phó, che giấu sai phạm.
Tuy nhiên, theo luật sư Hương, không thể suy luận các cuộc gặp mặt giữa bị cáo Nhàn và Lan là để tìm cách thay đổi kết quả thanh tra trái pháp luật bởi cả hai bị cáo đều khai rằng, nội dung cuộc gặp chỉ là trao đổi công việc, không có nội dung liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ. Luật sư Hương lập luận, cho đến hiện tại cáo buộc về hành vi đưa và nhận hối lộ của hai bị cáo Nhàn và Lan chỉ là suy đoán, mà suy đoán thì phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. Do đó, luật sư Hương chưa đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát.
Bên cạnh đó, trong phần luận tội, đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Viện Kiểm sát đã đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm m, khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, theo luật sư Hương, cáo buộc của Viện Kiểm sát đã chỉ rõ bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cấp trên của bị cáo Nhàn) là nhân vật chủ mưu, cầm đầu trong việc thay đổi kết quả thanh tra. Như vậy, việc quy buộc bị cáo Nhàn có thủ đoạn tinh vi trong trường hợp này là chưa thỏa đáng trong khi bị cáo chỉ làm theo lệnh cấp trên.
Trả lời trước tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trình bày, bị cáo quen Võ Tấn Hoàng Văn từ năm 2009 khi còn làm ở công ty kiểm toán. Trong quá trình làm việc với nhau, cả hai vẫn thường xuyên tặng quà cho nhau, chủ yếu là trái cây. Do đó, lần Văn mang thùng xốp chứa tiền, bị cáo chủ quan vẫn nghĩ là trái cây như thường lệ nên mới cho mật khẩu về Văn mang “quà” vào nhà. Khi phát hiện trong thùng chứa nhiều tiền mặt, bị cáo đã nhiều lần liên hệ với Văn để trả lại nhưng không được, thậm chí bị Văn buông lời đe dọa bảo bị cáo “đừng làm khó Văn và cũng đừng làm khó mình”.
Tự bào chữa bổ sung cho bản thân, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bày tỏ băn khoăn về việc bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về hành vi phạm tội “tinh vi”. Theo bị cáo Văn, tất cả các bị cáo tại SCB đều tiếp tục quy trình thủ tục của những người đi trước chứ không thực hiện thêm công đoạn mới. Ngoài ra, bị cáo mong Hội đồng Xét xử áp dụng các điều khoản có lợi cho các bị cáo, xem xét những hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra trước năm 2018 hay sau 2018 đều bị xử lý theo Điều 179, Bộ luật Hình sự năm 1999 để giảm mức độ hình phạt.
Luật sư bào chữa của bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square (chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) cho biết, bị cáo Cơ là một nhà kinh doanh lớn, có địa vị trong xã hội. Sau khi gây dựng gia đình với bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Cơ mới đến Việt Nam để thành lập Công ty Times Square cùng Tòa nhà Times Square tọa lạc tại trung tâm Quận 1 với mong muốn tạo dấu ấn cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Thành phố; bị cáo xem Việt Nam như quê hương của mình. Bị cáo không biết tiếng Việt, chỉ làm theo hướng dẫn của vợ nhưng lại bị định tội nặng, luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét.
Bào chữa bổ sung cho bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan), luật sư cho rằng mức hình phạt 19 - 20 năm mà Viện Kiểm sát đề nghị với bị cáo là quá nghiêm khắc.
Luật sư cho rằng bị cáo Vân chỉ tiếp nhận thông tin từ bị cáo Lan và SCB để truyền đạt tới Công ty Lavifood, không nắm chức vụ quyền hạn gì tại công ty. Trong suốt quá trình, Vân không trao đổi, bàn bạc trực tiếp với Trương Mỹ Lan hay lãnh đạo SCB. Sau đại dịch COVID-19 thì Vân mới tham gia hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; không có bất kỳ hoạt động tín dụng nào mà chỉ làm công việc xúc tiến đầu tư, tháo gỡ pháp lý, truyền thông cho dự án.
Luật sư lập luận, Vân với thân phận là “con cháu trong nhà” nên nhận công việc để giúp đỡ cô ruột Trương Mỹ Lan là việc rất bình thường", không nên quy buộc cho Vân là “phạm tội có tổ chức, tinh vi, xảo quyệt” như cáo buộc của Viện Kiểm sát. Vân và gia đình cũng đang rất tích cực khắc phục hậu quả vụ án; chồng của Vân vừa nộp khắc phục thêm 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cũng có nguyện vọng chuyển 1.350 tỷ đồng cho Vân khắc phục thiệt hại. Luật sư mong Hội đồng xét xử cho Vân mức án khoan hồng hơn.
Theo HỒNG GIANG (Báo Tin Tức)