Xử lý căn cơ sạt lở Quốc lộ 91

04/06/2020 - 04:54

 - Việc xây dựng tuyến tránh Quốc lộ (QL) 91 và xử lý khẩn cấp vị trí sạt lở đoạn xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang) chỉ là giải pháp trước mắt. Để ổn định lâu dài, cần thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu với chiều dài khoảng 3km qua khu vực này.

Nguy cơ sạt lở tiếp

Sáng 3-6, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương khảo sát tình hình sạt lở trên địa bàn An Giang.

Đoàn đã tiến hành khảo sát vị trí sạt lở ngày 27-5 vừa qua trên QL91, đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, Châu Phú). Để có cơ sở định hướng giải pháp lâu dài, đoàn công tác Trung ương cùng đại diện tỉnh, UBND huyện Châu Phú đã đi ca-nô trên sông Hậu để khảo sát hiện trạng bồi lắng, xoáy lở, đo thực tế độ sâu lòng sông Hậu tại vị trí sạt lở và 2 bên bờ Châu Phú - Phú Tân; đo thực tế hố xoáy mới.

Vị trí sạt lở ngày 27-5-2020 trên Quốc lộ 91

Sau khi khảo sát thực tế, ông Trần Quang Hoài cho biết, lòng sông Hậu có hiện trạng rất rộng, với chiều rộng khoảng 600m. Tuy nhiên, tại vị trí cong (nơi xảy ra sạt lở bờ QL91) thì co lại quá hẹp, chỉ còn khoảng 300m, lòng sông bị xoáy sâu.

“Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung đầu tư phòng, chống sạt lở với nhiều nguồn kinh phí. Cuối năm 2019, Chính phủ đã bố trí 140 tỷ đồng để An Giang xử lý cấp bách sạt lở QL91. Trước tình hình sạt lở hiện nay, chúng ta phải vừa xử lý khẩn cấp, vừa phải tính toán chỉnh trị dòng chảy sông Hậu qua khu vực này.

Hiện nay, chúng tôi đang mời các cơ quan khoa học và một số chuyên gia có kinh nghiệm để theo dõi, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu sâu để triển khai đánh giá một cách bài bản, căn cơ và đưa ra các giải pháp để không còn xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm như hiện nay.

Trong đó có các giải pháp xã hội hóa, điều chỉnh, nắn lại vị trí co thắt cục bộ này, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống sạt lở, vừa phát huy sức mạnh xã hội hóa để giải quyết vấn đề sạt lở thực sự căn cơ và bài bản” - ông Hoài đánh giá.

Trước đó, tại đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ) đã xuất hiện vết răn nứt dọc QL91, nằm trong đoạn cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm của Sở Tài nguyên và Môi trường, với chiều dài 2,3km, từ điểm đầu là Trường Tiểu học “A” Bình Mỹ (điểm phụ) lên thượng nguồn 400m và về hạ nguồn 1,9km.

Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 27-5, tại vị trí răn nứt đã sụp xuống sông Hậu với chiều dài khoảng 40m, bề rộng sạt vào 1/3 mặt đường. Hiện nay, đang xuất hiện thêm vết nứt phía bên trong (sâu vào khoảng 2/3 QL91), có nguy cơ sạt lở tiếp theo hướng mở rộng về phía thượng lưu và hạ lưu.

Xử lý lâu dài

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, địa hình đáy sông khu vực sạt lở khá phức tạp, lòng sông thu hẹp ở đoạn giữa do bồi lắng phía bờ Phú Tân (khoảng cách đến 2 bên bờ là 300m, chỉ bằng 1/2 độ rộng phía trên và phía dưới của sông Hậu).

Địa hình đáy sông Hậu khu vực xã Bình Mỹ vẫn tồn tại lạch sâu bắt đầu xuất hiện từ phía trên Trường Tiểu học “A” Bình Mỹ (điểm phụ) 160m. Lạch có chiều dài 500m, sâu từ -20m đến -23m, bắt đầu áp sát bờ (cách bờ 35m) và dần ra giữa dòng. Từ lạch sâu trên, xuôi về hạ nguồn 300m lại xuất hiện 1 lạch sâu cách bờ 70m, dài 200m, độ sâu phổ biến từ -20m đến -22m.

Còn tại đoạn vừa sạt lở ngày 27-5, xuất hiện lạch sâu -15m khi cách bờ 50m, lạch sâu -20m khi cách bờ 100m, bờ mái dốc vẫn khá đứng và nguy hiểm, đáy sông lệch sang phía bờ xã Bình Mỹ với độ dốc gần như thẳng đứng.

Về địa hình cắt ngang sông tại khu vực sạt lở cho thấy, có vách bờ khá dốc. Khu vực sạt lở đang tồn tại các hố xoáy sâu chạy dọc ngay chân QL91 (cũ) dài khoảng 1,3km, cao độ đáy khoảng -20 đến -23m. Địa hình mái bờ dốc, kết hợp với cấu tạo địa chất khu vực bờ và lòng sông là cát pha bở rời, dễ xói mòn do tác động của dòng chảy.

Do khu vực sạt lở nằm trong đoạn sông thắt cổ chai với chiều rộng sông chỉ bằng 50-60% của đoạn sông thượng lưu và hạ lưu nên lưu tốc dòng chảy khá lớn (từ 1,3-1,8m/s). Vùng vận tốc lớn có xu thế ép sát vào phía bờ đang sạt lở ở mức từ 1,6-1,8m/s, sẽ tiếp tục tác động gây xói mòn bờ và đào sâu thêm các hố xói sát chân QL91.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, khoảng 20 năm trước, phía bờ đối diện QL91 (vị trí sạt lở hiện nay) có bãi cát ngầm phía bờ Phú Tân. Do không nạo vét nên từ bãi cát ngầm đã dần hình thành bãi bồi, ép nước về phía QL91.

Việc hình thành các lạch sâu dưới lòng sông và gây sạt lở bờ QL91 như hệ quả tất yếu của quá trình này. “Trước đây, xử lý sạt lở chủ yếu theo kiểu đối phó tình thế, đau đâu đắp đó”. Việc xây dựng tuyến tránh QL91 mới đã giải quyết được vấn đề lưu thông. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2.500 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở, nếu bố trí tái định cư cũng không phải dễ dàng. Do vậy, cần giải quyết căn cơ nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài” - ông Thư chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề xuất đoàn công tác tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đồng ý để An Giang thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 khu vực xã Bình Mỹ (theo nội dung Công văn số 498/UBND-KTN, ngày 8-5-2020 của UBND tỉnh).

Khu vực chỉnh trị có chiều dài khoảng 3km, cơ bản khắc phục được tình trạng lòng sông bị thắt hẹp, giảm áp lực dòng chảy gây xói lở bờ. Nguồn cát từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy này được tận dụng để làm vật liệu thả bao tải cát tạo mái lấp lạch sâu của Dự án xử lý sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ QL91 đoạn qua huyện Châu Phú (đang triển khai). “Nếu thực hiện thành công, mô hình xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu có thể trở thành điển hình để nhân rộng ở ĐBSCL trong vấn đề xử lý sạt lở” - ông Thư kỳ vọng.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài ủng hộ đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 của An Giang. Tuy nhiên, việc chỉnh trị dòng chảy là vấn đề phức tạp, tỉnh cần tìm đơn vị tư vấn đủ năng lực để có phương án triển khai hợp lý, bảo vệ an toàn cho cả 2 bờ sông.

NGÔ CHUẨN