Xuân về, tản mạn cùng... thư pháp

13/02/2024 - 03:39

 - Trong xã hội ngày nay, vị trí của thư pháp có bị mờ nhạt? Tôi cho rằng không. Bởi, với những ai đã đam mê thì giá trị của thư pháp luôn trường tồn. Vẫn có những người trẻ không chỉ yêu thích thư pháp mà còn gắn bó với thư pháp, qua đó không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp nối, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Khi thư pháp được nhiều người tìm đến hơn trong xã hội hiện đại, những “ông đồ mới” trong thời đại 4.0 giờ đây có nhiều cơ hội phô trương, thể hiện tài năng với những nét chữ quốc ngữ “rồng bay phượng múa” mỗi khi Tết đến, Xuân về. Hòa cùng dòng người trẩy hội Xuân, nét chữ “bay lượn” của các ông đồ được nhiều người ngưỡng mộ, “tấm tắc ngợi khen tài”, góp thêm hương sắc cho ngày Tết quê hương.

Người già thường hay xin chữ “Hiếu”, chữ “Đức”, người trẻ chuộng chữ “Phúc”, “Thọ” cho bố mẹ, ông bà. Người đi làm công sở thường xin chữ “Nhẫn”. Những người buôn bán thường hay xin chữ “Phát”, chữ “Lộc”. Lại có người ngẫu hứng muốn ông đồ viết một câu thơ hay một chữ bất kỳ, gắn với một năm mới sắp đến, những chữ mong ước, khát vọng trong cuộc sống.

“Thư pháp vốn là một thú chơi tao nhã, vừa để rèn luyện trí lực, vừa tự răn mình. Khi viết, tâm hồn cần thư thái, để khi vận bút trên giấy mới tạo ra những nét chữ có hồn. Câu đối thư pháp được gia chủ treo trong nhà với mong muốn cầu bình an, tài lộc cho gia đình. Đồng thời, nó cũng được gửi tặng cho những người thân yêu như một lời chúc năm mới thuận lợi và gặp nhiều may mắn.

Vào dịp Tết, ngoài cây mai, cây đào, bao lì xì... thì những câu thư pháp, câu đối đỏ ngày càng được nhiều người chọn trang trí cho ngôi nhà của mình”. Thư pháp được “sống lại”, ngày càng được gìn giữ, nâng niu, và chung sức bồi đắp nên tâm hồn dân tộc” - ông đồ Hồng Phú (sinh năm 1974, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) phấn khởi nói.

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nhà Văn hóa lao động tỉnh, anh Hồng Phú phải ngày càng đổi mới, sáng tạo để “truyền lửa” nghệ thuật thư pháp đến với nhiều người hơn nữa, nhất là thế hệ trẻ. Nhâm nhi chén trà, anh Hồng Phú lắng đọng cảm xúc: “Vài năm trở lại đây, người tìm đến bộ môn thư pháp khá nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Có người tìm đến thư pháp như một sự hiếu kỳ nhằm giải mã những thắc mắc với những nét chữ “rồng bay phượng múa”. Số khác đến với thư pháp như cách giúp họ hoài cổ, tìm thấy những giây phút lắng đọng, khắc khoải với một thời “hoàng kim” của nghệ thuật thư pháp”.

Dạy trên 20 học viên, anh Hồng Phú cho biết, tùy nhu cầu khác nhau mà học viên đến với thư pháp thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, từ 18, đôi mươi, đến “trạc ngoại tứ tuần” hay quá tuổi lục tuần cũng có. “Tất nhiên, tùy vào năng khiếu và sự khéo léo, chăm chỉ luyện tập, người học tiếp thu nhanh hay chậm. Thường thì, người mới học sẽ mất khoảng 3 tháng để rành các nét vẽ thư pháp rồi mới bắt đầu vào giai đoạn tập viết chữ.

Điều này, đòi hỏi người học phải thật kiên nhẫn. Cho dù bạn mới bắt đầu học thư pháp ở thời điểm nào đi nữa thì việc quan tâm đầu tiên vẫn là chú trọng vào luyện tập bút pháp căn bản. Rèn thư pháp chính là rèn nhân cách. Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn giũa tâm hồn” - anh Hồng Phú nhấn mạnh.

Có rất nhiều con đường để mọi người đến với thư pháp. Một trong những lý do đó là chữ “duyên”. Đối với bất cứ một bộ môn nghệ thuật hay công việc nào cũng vậy, nếu không có đam mê, không đủ nhiệt huyết, không đủ sự yêu thích đối với nó thì rất khó mà thành công được.

Hơn 6 tháng “tầm sư học đạo”, chị Nguyễn Thị Trúc Linh (sinh năm 1985, ngụ TP. Long Xuyên) vẫn chưa tự tin “ra nghề”. Bởi theo chị Linh, tuy việc viết chữ đã thành thạo nhưng để người thưởng thức đánh giá là đẹp vẫn cần phải trau dồi thêm.

“Cứ nghĩ học viết thư pháp khá đơn giản nhưng khi bắt đầu mới thấy khó. Chỉ việc luyện nét rất kỳ công. Còn cọ viết chữ thì có hẳn một bộ cả chục loại. Nét nhỏ thì cọ nhỏ, nét trung cọ trung và nét đại cọ cỡ đại. Song, người viết thư pháp chuyên nghiệp là có thể thuần thục sử dụng một loại cọ cho tất cả các chữ, mà không ảnh hưởng các đường nét thanh mảnh, đậm nhạt của thư pháp” - chị Linh chia sẻ. 

Dễ nhận thấy, nghệ thuật thư pháp ngày càng được nhiều người hiểu biết, càng đông người hâm mộ, thu hút khá nhiều các bậc văn sĩ và đông đảo những người yêu chữ tìm đến. Giờ đây, “mỗi năm hoa đào nở” dòng người háo hức xuống phố không chỉ để thưởng thức hương Xuân, sắc Xuân, tình Xuân mà còn để thưởng thức nghệ thuật thư pháp đầy lôi cuốn, thi vị. Thế là, những “ông đồ”ngày nay lại có dịp trổ tài với những nét “rồng bay phượng múa”, góp thêm sắc xuân cho đất trời và nối dài giá trị văn hóa từ lâu đời của dân tộc.

PHƯƠNG LAN