Xuất khẩu lao động - “chìa khóa” để giảm nghèo

07/04/2023 - 06:58

 - Thị trường lao động ngoài nước được mở ra, cùng sự vào cuộc của các ngành, các cấp đã tạo nhiều việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần vào công cuộc giảm nghèo. Đặc biệt, bên cạnh chính sách hỗ trợ tín dụng và chi phí ban đầu, tỉnh tăng cường các giải pháp để NLĐ thấy được lợi ích, chủ động tham gia xuất khẩu lao động, xứng tầm với quy mô dân số dồi dào hiện có.

Cơ hội cho người lao động

Tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động), NLĐ không chỉ có nguồn thu nhập cao, chăm lo gia đình, mà còn được rèn luyện tác phong, ý thức kỷ luật, tiếp thu kiến thức, văn hóa… nước sở tại.

Bạn Hà Văn Hoài Linh (quê huyện Chợ Mới) là lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản trở về. Tốt nghiệp đại học năm 2018, Linh được giới thiệu xuất cảnh làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng. “Bình quân hàng tháng, tôi kiếm được từ 38 - 42 triệu đồng, trừ các chi phí còn gửi về gia đình khoảng 25 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập khá cao so với nhiều công việc trong nước. Kết thúc hợp đồng 3 năm, tôi có nguyện vọng trở lại công ty và được tuyển làm cán bộ tuyển sinh của Công ty MIF (thành viên của Tập đoàn Sao Mai)” - Hoài Linh chia sẻ.

Giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh có 594 người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Có 159 lao động được hỗ trợ tín dụng với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng và 164 lao động được hỗ trợ chi phí ban đầu (khám sức khỏe, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng) hơn 842 triệu đồng. Hầu hết NLĐ có việc làm ổn định, thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt.

Vì vậy, nhiều người ý thức được đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả để có việc làm tốt, cải thiện cuộc sống… từ đó chủ động đăng ký tham gia. Không chỉ giải quyết được bài toán việc làm, thu nhập, góp phần giảm nghèo… người xuất khẩu lao động còn góp phần nâng cao nguồn nhân lực trong tỉnh. Khi trở về, họ cùng với địa phương hình thành những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân và học sinh

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang (LĐ-TB&XH) Phạm Sơn, thời gian tới, thị trường lao động không còn tập trung ở các nước quen thuộc, mà mở rộng ra thị trường một số nước Châu Âu và Đức, Nga, Australia theo ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH với các nước.

Không những vậy, nếu trước đây chủ yếu chỉ có lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc thì hiện nay đã có thêm nhiều chương trình khác dành cho lao động có tay nghề, lao động vừa học vừa làm… đáp ứng nhu cầu lâu dài cả trong và ngoài nước. Từ nay đến năm 2025, mỗi năm, tỉnh phấn đấu đưa ít nhất 300 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Tăng cường giải pháp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, xem đây là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. An Giang là tỉnh đông dân, với hơn 1,9 triệu người (người trên độ tuổi lao động chiếm trên 60%), đứng đầu ĐBSCL và thứ 8 trong cả nước. Trong khi số lượng đưa lao động đi làm việc nước ngoài hiện nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng. Công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện chưa đều khắp, nhất là NLĐ vùng nông thôn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các sở, ngành, lãnh đạo địa phương thực hiện quyết liệt và tăng tốc hơn nhiệm vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này theo Kế hoạch 186/KH-UBND của UBND tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh phối hợp các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động tuyển chọn, đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, thông tin thị trường việc làm trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tìm kiếm việc làm phù hợp.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly cho biết, qua thực tế tìm hiểu kinh nghiệm xuất khẩu lao động ở các địa phương khác, vấn đề chủ yếu là công tác tuyên truyền. Về chính sách, tỉnh An Giang không thua các tỉnh khác, nguồn tài chính hỗ trợ cho NLĐ cũng rất dồi dào. Trong khi công tác tuyên truyền thực hiện chưa đều khắp, có nơi rất tích cực, có nơi chưa mạnh nên người dân nắm bắt thông tin còn hạn chế. Đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 107 NLĐ đi xuất khẩu lao động ở các nước. Trong quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 cuộc tư vấn (cả năm 2022 thực hiện 17 cuộc) và đang tiếp tục thực hiện đều khắp ở các địa phương.

“Chỉ tiêu hàng năm đưa 300 NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện đạt cao hơn. Ngành chuyên môn đang nỗ lực tích cực, còn lại rất mong UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp phối hợp để đạt kết quả trong nhiệm vụ này. Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng câu chuyện người thật, việc thật đi xuất khẩu lao động. Từ đó, nâng cao ý thức, tạo sự lan tỏa để NLĐ mạnh dạn tham gia đi làm việc ở nước ngoài” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly nhấn mạnh.

MỸ HẠNH