Xuất khẩu lập kỷ lục 4,4 tỷ USD, gạo Việt Nam trước ngưỡng cửa mới

01/12/2023 - 08:48

Không chỉ lập kỷ lục xuất khẩu 4,41 tỷ USD chỉ trong 11 tháng năm 2023, gạo Việt Nam còn dồn dập đón tin vui.

Khẳng định về chất lượng

Ngày 30/11, Bộ NN-PTNT thông tin, xuất khẩu gạo của nước ta thu về 4,41 tỷ USD chỉ trong 11 tháng năm 2023, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua mốc 3,65 tỷ USD năm 2011, chính thức thiết lập kỷ lục lịch sử mới sau 34 năm tham gia thị trường thế giới.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, giá bình quân xuất khẩu gạo trong 11 tháng qua đạt giá gạo 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những ngày này, giá gạo 5% xuất khẩu của nước ta tăng mạnh và neo ở mức cao.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 29/11, gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu có giá 663 USD/tấn, vượt xa so với 625 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn hàng Pakistan.

Tương tự, gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở ngưỡng cao 643 USD/tấn - mức giá đắt đỏ nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, một thời gian dài gạo Việt bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, chỉ bán giá rẻ. Song, những năm qua, chất lượng hạt gạo Việt dần được cải thiện. Chúng ta có những loại gạo ngon không thua kém gì, thậm chí vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. 

Việc giá gạo tăng cao, vượt xa hàng cùng loại của Thái Lan, cũng khẳng định được chất lượng của gạo Việt trên thị trường thế giới.

Không chỉ đón tin vui về kim ngạch và giá gạo xuất khẩu, chiều 30/11, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường còn thông tin gạo Việt Nam đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

"Năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam gửi 6 loại gạo đi dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi bằng gạo LT28 và Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi với gạo TBR39-1 và nếp A Sào. Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam trở thành gạo ngon nhất thế giới, gạo Campuchia xếp thứ hai, gạo Ấn Độ xếp vị trí thứ ba", ông Cường chia sẻ.

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai gạo ST25 đạt giải nhất tại cuộc thi này.

Theo ông Cường, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Thực tế, vài năm trở lại đây, ST25 là một trong những loại gạo chất lượng cao nổi tiếng của nước ta, được người tiêu dùng nội địa và thế giới ưa chuộng. 

Năm ngoái, món cơm chiên sử dụng gạo ST25 của Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Loại gạo này được giới thiệu là gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. 

Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, cùng yêu cầu rất cao của người tiêu dùng nước này. Từ đó cho thấy, Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường khó tính về chất lượng như Nhật Bản.

Giá gạo ST25 xuất sang Nhật Bản là hơn 1.200 USD/tấn. Các nhà phân phối đặt vấn đề muốn mua khoảng 1.000 tấn gạo/năm để tăng quy mô bán lẻ đến các siêu thị.

Đầu năm nay, Công ty QTOrganic cũng xuất khẩu sang thị trường Đức một lô gạo hữu cơ ST25 với giá 1.800 USD/tấn - mức giá cao hiếm thấy đối với gạo Việt xuất khẩu.

Từ 2024, ĐBSCL thực hiện đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao (Ảnh: Thương trường).

Sẽ có 9 triệu tấn gạo ngon xuất khẩu mỗi năm

Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của gạo ST25 - mong muốn ST25 sẽ là một trong những giống lúa được đưa vào Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Như vậy, tương lai chúng ta có thể nâng cấp hạt gạo Việt Nam lên nữa.

Mới đây, ngành lúa gạo cũng nhận tin vui khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL là nội dung mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh...

Bộ trưởng chỉ rõ, con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Chúng ta tích hợp đa giá trị, là kinh tế tuần hoàn. Từ rơm, trấu, cám... có thể làm được rất nhiều sản phẩm khác, tại sao không tận dụng? Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho hay, khi Việt Nam công bố về đề án, lập tức thế giới tính toán ngay 1 triệu ha này sẽ đem lại khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu trong một năm.

Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Bởi, muốn giành được thị phần, gạo Việt Nam phải cạnh tranh được bằng giá, bằng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng thương hiệu và uy tín. Thậm chí, khi có gạo chất lượng cao, chúng ta có quyền lựa chọn thị trường xuất khẩu.

Giữa tháng 12, tại Hậu Giang diễn ra Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023. Theo Bộ trưởng Hoan, không có lý do gì để một cường quốc lúa gạo như Việt Nam không dám thể hiện mình. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất cũng như chất lượng hạt gạo quê hương.

Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu “Gạo Việt”.

Theo Vietnamnet