Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9-1, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, nhận lời mời của phía Mỹ, từ ngày 13 đến 15-1, đoàn đại biểu Trung Quốc do Phó Thủ tướng Quốc vụ viện (Chính phủ) Lưu Hạc dẫn đầu sẽ tới Washington ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với phía Mỹ.
Hiện nay, ê kíp đàm phán của hai bên đang phối hợp chặt chẽ với nhau để thống nhất nội dung của thỏa thuận sẽ ký kết. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trên tài khoản Twitter vào ngày đầu tiên của năm 2020 cùng lời hẹn sau lễ ký “sẽ tới Bắc Kinh, nơi các cuộc đàm phán giai đoạn hai bắt đầu”.
Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết thêm đoàn Trung Quốc có 10 người, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) Dịch Cương và Thứ trưởng Tài chính Liêu Mân… Lễ ký kết sẽ diễn ra vào khoảng 11 giờ 30 trưa 14-1 (theo giờ bờ Đông nước Mỹ) tại Nhà Trắng. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng có mặt tại lễ ký. Ngoài ra, tham dự lễ ký còn có khoảng 200 nhân vật đại diện cho các nghiệp đoàn thương mại của Mỹ.
Về nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Nhật báo Phố Wall trích dẫn thông báo của phía Mỹ cho biết ít nhất gồm 5 nội dung: Mua hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tự do hóa tài chính, chính sách ngoại hối và cơ chế chấp hành. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, văn bản thỏa thuận gồm 9 chương: Lời tựa, bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, thực phẩm và nông sản, dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và tính minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp, điều khoản cuối cùng.
Trên thực tế, trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump quan tâm nhiều tới vấn đề mua sắm nông sản của Trung Quốc. Theo đại biểu đàm phán Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý từ năm 2020 bắt đầu mua ít nhất 40 tỷ USD nông sản Mỹ, dường như cao gấp đôi so với mức mua sắm nông sản Mỹ cao nhất của phía Trung Quốc trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào năm 2018. Nhằm đạt được con số nêu trên, Trung Quốc có thể sẽ phải giảm mua sắm từ các nước xuất khẩu nông sản lớn như Brazil và Argentina. Phía Mỹ còn tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý trong 2 năm tới sẽ nâng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ lên 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa chứng thực những cam kết mua sắm nêu trên, chỉ nói rằng bất cứ hoạt động mua sắm nào đều phải phù hợp quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dư luận phỏng đoán phải chăng tuyên bố này của phía Bắc Kinh sẽ trở thành cái cớ để biện hộ cho việc họ không thực hiện được mục tiêu mua hàng hóa đã cam kết.
Theo chuyên gia vấn đề WTO thuộc Trường Luật Harvard, Giáo sư Mark Wu, điểm mấu chốt là cách sử dụng từ ngữ sao cho đủ sức mơ hồ nhằm tránh đối mặt với thách thức từ WTO, nhưng cũng phải đủ rõ ràng để phía Mỹ tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tận dụng công cụ hiện có để hướng các mặt hàng nông sản cần mua sắm vào thị trường Mỹ.
Ông Trump quan tâm tới vấn đề Trung Quốc mua sắm nông sản Mỹ, nhưng theo tờ Economic Journal, vấn đề đáng lưu ý nhất khi đề cập tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một là cơ chế chấp hành. Hai bên cần giải quyết bất đồng liên quan thông qua đàm phán. Nếu đàm phán không mang lại kết quả, phía Mỹ có thể áp dụng biện pháp như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng nói là “đáp trả đối đẳng”, có nghĩa Washington sẽ áp đặt trở lại biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một còn bao gồm việc Trung Quốc cam kết không sử dụng biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ để trợ giúp xuất khẩu; tăng tốc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính và cam kết không cưỡng ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác hợp tác phía Trung Quốc.
Căn cứ vào những gì được hai bên đề cập, có thể thấy thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một thiếu một nội dung mà phía Mỹ rất coi trọng là cải cách kết cấu kinh tế Trung Quốc, tức là chính sách của Trung Quốc đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước. Có nguồn tin chỉ rõ, ngay cả trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung giai đoạn hai, phía Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết không chấp nhận các yêu cầu này. Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho rằng nếu muốn đạt được sự nhất trí trong các vấn đề căn bản tồn tại bất đồng, hai bên cần phải nỗ lực rất lớn.
Theo HÀ NGỌC (TTXVN)