Yêu cầu chia di sản của cha mẹ để lại

15/03/2022 - 04:07

 - Ông Hồ Văn Tuân (sinh năm 1953, ngụ khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, cha mẹ ông không để lại di chúc chia tài sản cho con khi qua đời. Sau đó, 1 người em khác mẹ chiếm toàn bộ tài sản này.

Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, ông Hồ Văn Tuân trình bày, trước đây, cha mẹ ông (ông Hồ Phú Thông, bà Phạm Thị Xinh, cùng sinh năm 1935) sở hữu khá nhiều đất ruộng, thổ cư, đất vườn tạp. Cụ thể, gồm: 11.561m2 đất ruộng (thửa đất số 78, tờ bản đồ 90, tọa lạc phường Mỹ Thới); 420m2 đất thổ cư (trên đó có căn nhà cấp 4, giá trị khoảng 180 triệu đồng) và 204m2 đất thuộc tờ bản đồ số 46 (thửa đất số 68, tọa lạc phường Mỹ Thạnh); 525m2 đất trồng cây lâu năm khác (tờ bản đồ số 46, thửa đất số 49, tọa lạc phường Mỹ Thới).

Năm 1968, sau khi sinh người con thứ 5, bà Phạm Thị Xinh mất vì bệnh. Đến năm 1970, ông Hồ Phú Thông kết hôn với bà Đồng Thị Phiến (sinh năm 1947), sau đó sinh 4 gái, 2 trai, không mua thêm tài sản có giá trị. Một vài người con ở trên đất, một số tự kiếm sống, hiện có người chưa có nơi ở ổn định. Thấy ông Thông già yếu, bệnh nặng, các con kêu ông bán đất, vừa có tiền điều trị bệnh, vừa phân chia tài sản. Ông Thông đồng ý. Tuy nhiên, ông Thông qua đời ngày 29-5-2020, không để lại di chúc.

Ông Hồ Văn Tuân trình bày vụ việc

“Lúc mẹ tôi chết, phần lớn đất đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi cha tôi đi bước nữa, hầu hết tài sản vẫn giữ nguyên. Sau ngày cha tôi chết, thấy em trai út Hồ Phú Thạnh mở quán giải khát lo cho bà Phiến, anh em tôi không nói đến việc phân chia di sản. Vừa qua, thấy em trai rao bán đất, tôi gợi ý Thạnh chia di sản thừa kế, nhưng không được chấp thuận. Ngày 18-6-2021, đại diện một số em, tôi làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP. Long Xuyên yêu cầu “Chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại”. Hiện nay, số tài sản do Hồ Phú Thạnh quản lý, sử dụng cần phân chia đều” - ông Hồ Văn Tuân cho biết thêm.

Hỏi về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Hồ Phú Thông, ông Hồ Phú Thạnh khẳng định, lúc còn sống, cha đồng ý giao đất cho ông quản lý, sử dụng, đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Nếu cho rằng tôi chiếm giữ số đất chung, anh chị cứ khiếu nại đến địa phương, hoặc khởi kiện đến tòa án. Tôi không lấy đất, tài sản của anh chị nào cả” - ông Thạnh phản bác.

Tìm hiểu thêm sự việc, một số người con của ông Thông cho hay, đất của cha tạo dựng được phải chia đều cho các con, không kể tới dòng con trước hay sau. Tài sản riêng của bà Phiến thì bà cứ thụ hưởng; nếu bà có góp sức mua tài sản phải chia đôi số đó; còn không, để pháp luật xem xét quyết định. Thông tin về sự việc, địa phương cho biết, đến nay, chưa có đơn khiếu nại hay yêu cầu phân chia tài sản của gia đình ông Thông.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh) thông tin, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người để lại di sản không có di chúc thì tài sản đó được chia theo pháp luật, những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, thực tế thường xảy ra trường hợp cha mẹ chết không để lại di chúc, một trong số các con chiếm dụng tài sản đó cho riêng mình. Việc này dẫn tới anh em bất hòa, kiện tụng kéo dài, tốn kém. Với yêu cầu chia di sản nói trên, không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở.

Nếu xác định di sản thừa kế trên là của ông Thông tạo dựng, phải chia đều cho các con ông, không phân biệt con với bà vợ trước hay bà vợ sau; con nuôi hay con ruột. Trong quá trình xét xử, xác định tài sản là của chung (với bà Xinh) thì bà này hưởng 50% giá trị. Nếu xác định bà Phiến có góp công tạo dựng tài sản chung, bà sẽ được hưởng 50% giá trị đó; nếu không thì xử lý theo pháp luật. Tài sản chia là hiện vật, đương sự có thể nhận bằng giá trị tương đương.

Bài, ảnh: N.R