Yêu cầu được hưởng chế độ như thương binh

03/05/2022 - 08:10

 - Ông Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1948, ngụ ấp Long Thuận 1, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) khẳng định, người cùng thời với ông đã được xác định có công với cách mạng, thụ hưởng đầy đủ chế độ. Còn ông, 43 năm qua vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Trình bày vụ việc với phóng viên Báo An Giang, ông Nguyễn Văn Lực cho biết, ông tham gia cách mạng từ rất lâu, được nhiều người tham gia xác thực, được địa phương công nhận người có công (nhưng thụ hưởng chế độ chỉ một phần).  “Không ít người được hưởng chế độ không qua giám định, làm rõ, bị tôi làm đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc xem xét giải quyết chưa rõ ràng. Với trường hợp của tôi, đến nay vẫn chưa giải quyết ngã ngũ, gia đình tôi bị ảnh hưởng lớn, bị nhiều người gièm pha, chế giễu. Tôi tiếp tục yêu cầu nhà nước giải quyết cho được hưởng chế độ đầy đủ theo quy định của pháp luật về người có công. Trước hết, bổ sung chế độ như thương binh cho tôi” - ông Nguyễn Văn Lực cho biết thêm.

Ông Nguyên Văn Lực trình bày vụ việc

Cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội xã Long Điền A cho biết, ông Lực hưởng chế độ người có công khá lâu, được địa phương chi trả đầy đủ, kịp thời, cùng các chế độ, theo quy định. Cụ thể, năm 2018, gia đình ông Lực được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà Tình nghĩa. Về khiếu nại đã lâu, được địa phương hướng dẫn, giải thích nhưng ông Lực vẫn không đồng thuận, tiếp tục làm đơn gửi nhiều nơi, cho là bị bỏ sót chế độ, giải quyết không thỏa đáng.

Trả lời về vụ việc, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới cho biết, ông Nguyễn Văn Lực được nhà nước công nhận là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày - cựu tù kháng chiến. Khoảng năm 2000 đến nay, ông thụ hưởng 974.000 đồng/tháng về chế độ người có công, đồng thời được cấp bảo hiểm y tế, an dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cùng một số chế độ theo quy định.

Ông Lực được tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; có giấy chứng nhận bị thương, được thụ hưởng các chế độ theo quy định. Đối với việc ông yêu cầu được hưởng chế độ như thương binh, đơn vị đã làm việc nhiều lần, hướng dẫn, giải thích ông chưa đủ điều kiện; thông báo kết luận giải quyết của cấp trên, nhưng ông không chấp thuận. Liên quan đến việc này, ông có đơn khiếu nại, tố cáo người cùng thời khai man lý lịch, làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh, đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết, nhưng ông vẫn không đồng ý.

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh An Giang) cho biết, hiện chế độ dành cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được áp dụng theo các quy định tại Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 cùng pháp luật có liên quan. Theo đó, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, khi thuộc một trong 10 trường hợp quy định của Pháp lệnh. Ngoài ra, người không thuộc các nhóm đối tượng trên, nhưng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thuộc một trong các trường hợp quy định, thì được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là người hưởng chính sách như thương binh.

Cụ thể, mức trợ cấp cho thương binh sẽ dựa trên mức suy giảm khả năng lao động của từng thương binh; hưởng phụ cấp hàng tháng tùy theo tỷ lệ tổn thương của thương binh. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Lực, nếu có đủ cơ sở chứng minh đủ điều kiện như trên thì sẽ được thụ hưởng chế độ theo quy định.

N.R