Australian Open 2018: Chuyện về Halep, chuyện về Sharapova

13/01/2018 - 17:49

Họ sẽ là những nhân vật nữ chính ở Australian Open năm nay. Một người phải chứng minh thân phận thật sự của một “Nữ hoàng”, người còn lại, phải chứng minh, quá trình “phục thiện” của cô đã mang lại kết quả mỹ mãn…

Simona Halep

Khi “Nữ hoàng” đi tìm vương miện

Ngày 9-10-2017 sẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Simona Halep. Cô gái người Rumani đã chính thức tiếp quản ngôi “Nữ hoàng WTA” từ tay của Garbine Muguruza (Tây Ban Nha) và trở thành tay vợt thứ 25 lên ngôi số 1 nữ thế giới. Cũng từ đó, áp lực luôn đè nặng lên đôi vai của cô…

Giành ngôi số 1 thế giới vốn đã là chuyện không hề dễ dàng, giữ ngôi số 1 sẽ còn khó hơn và làm sao giữ ngôi số 1 giữa áp lực của dư luận còn kinh khủng hơn nữa. Với dư luận, ngôi “Nữ hoàng” chẳng phải là thứ bảo chứng gì cả, trái lại, nó là áp lực “buộc phải thắng Grand Slam”. Trong quá khứ, có rất nhiều tay vợt từng bị chê bai vì giữ ngôi số 1 mà không thắng nổi danh hiệu Grand Slam nào cả. Có thể kể nôm na những gương mặt như Dinara Safina (Nga), Jelena Jankovic (Serbia), Caroline Wozniacki (Đan Mạch), hay gần đây nhất là Karolina Pliskova (CH Séc). Người ta ví von, giữ ngôi số 1, mà không thắng Grand Slam, cũng như “Nữ hoàng” đánh mất chiếc vương miện…

Đó là thứ áp lực mà Halep hiện đang phải gánh chịu. Ngay sau khi lên ngôi “Nữ hoàng”, cô lại trải qua chuỗi thành tích “chẳng ra sao” – thua Wozzy ở chung kết giải đấu tại Beijing, và bị loại ngay ở vòng đấu bảng của giải Bát đại mỹ nhân ở Singapore – giải đấu tổng kết cuối mùa WTA Tour. Thất bại ở Singapore cho thấy, “sự yếu đuối” của những “Nữ hoàng mới”, và cô chỉ may mắn giữ được ngôi số 1 thế giới của mình vì Pliskova không thể đăng quang ngôi vô địch. Rất may, với sự tươi mới trong giai đoạn đầu năm nay, Halep đã lên ngôi ở Shenzhen Open, danh hiệu đầu tiên trong tư cách “Nữ hoàng WTA” của Halep. Chắc chắn, đó là chiến tích giúp cô giảm bớt áp lực rất nhiều!

Halep hẳn sẽ không muốn người ta nhắc đến cụm từ: “Nữ hoàng không… vương miện”, cô phải chơi tốt ở Melbourne Park năm nay, thậm chí phải tìm được cách đăng quang. Ở vòng 2, Halep có thể sẽ đối đầu với “mỹ nhân Canada” Eugenie Bouchard. Tiếp theo đó, cô có thể sẽ phải đối mặt với Petra Kvitova – tay vợt sở hữu 2 danh hiệu Wimbledon ở vòng 3 (hoặc là “một trong tứ đại mỹ nhân của quần vợt Đức” Andrea Petkovic). Đối thủ tiềm tàng của cô ở tứ kết có thể sẽ là Pliskova, Johanna Konta (tay vợt nữ số 1 của làng quần vợt Anh quốc). Ở bán kết, đối thủ tiềm năng của Halep sẽ là… nhiều hơn, có thể là Muguruza, là những “Cựu Nữ hoàng” như Angelique Kerber hay Maria Sharapova.

Đó không phải là một chặng đường dễ dàng, nhưng Halep được Chris Evert đánh giá rất cao: “Tôi nói điều này, dù không có nhiều sự thuyết phục, nhưng tôi có cảm giác rằng, Halep đã có kết quả thất vọng ở các giải Grand Slam hồi năm ngoái, và tôi cảm thấy, cô ấy rất muốn xoay chuyển tình thế trong năm nay. Đơn giản tôi có cảm giác là, cô ấy đang chơi thứ quần vợt tốt nhất ngay vào lúc này, thể hiện thứ quần vợt chắc chắn chắn nhất”.

Chuyến “hành trình phục thiện” dang dở của Sharapova

Khi Maria Sharapova cầm chiếc cúp vô địch Australian Open bước vào Melbourne Park, không ít người đã cảm thấy giận dữ. Với họ, việc một tay vợt từng “dính chàm doping” trong quá khứ lại được vinh dự mang chiếc cúp vô địch Grand Slam bước vào một sân đấu ở Melbourne Park là một sự xúc phạm danh cho các nhà vô địch. Nhưng Giám đốc điều hành giải, ông Craig Tiley, rồi huyền thoại quần vợt Billie Jean King đã có quan điểm riêng của mình. Họ đều cho rằng, Masha là nhà cựu vô địch, cô đã phạm lỗi nhưng cũng đã thi hành án phạt, vậy thì hà cớ gì cứ khắt khe, kiểu như muốn loại cô ra khỏi đời sống quần vợt thế giới?

Sharapova, vì thế, đã đến với Australian Open 2018, trong một tâm trạng ngổn ngang. Cô hiểu, cho đến lúc này, những người chống đối vẫn còn rất nhiều. Nếu cô không đăng quang, quá trình phục thiện đó, sẽ là dang dở. Nếu cô giành được chiến thắng, cô sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, cho dù bạn đã làm những gì, nhưng nếu biết hối tiếc, sửa chữa sai lầm và đi đến cùng trong chặng đường phục thiện, bạn sẽ nhận được sự trân trọng và có thể thuyết phục những người có quan điểm khắt khe nhất.

Ở Australian Open năm nay, sẽ không có Serena Williams, đối thủ mà Sharapova “sợ như sợ cọp”. Với cô, đó là một thuận lợi vô cùng to lớn. Nhưng Sharapova chưa bao giờ tìm được trạng thái tốt nhất của mình kể từ khi quay lại sân đấu sau án phạt treo vợt 15 tháng. Liệu cô sẽ tìm được điều đó ở Melbourne Park năm nay?

*Đương nhiên, ở Australian Open 2018 sẽ không chỉ là câu chuyện của riêng mình Sharapova hay Halep. Nó còn là “sự hồi sinh” của Keber, phong độ sáng chói bất ngờ của Wozniacki, là sân chơi cho những tay vợt trẻ như Pliskova hay Elina Svitolina, Jelena Ostapenko… “Ngày hôm nay, có khoảng 20 tay vợt có thể giành Grand Slam, đó là điều bạn không thể nói hồi 5 hay 10 năm trước. Khi Serena không còn cầm chiếc tù và bằng sừng trâu để thổi hồi tù thống nhất thế giới, chẳng còn ai có khả năng đứng ra làm điều này”, Evert đã nói như vậy…

Theo ĐỖ HOÀNG (Sài Gòn Giải Phóng)