Đặc sản vùng, miền vào vụ Tết

31/01/2018 - 01:00

 - “Hàng năm, từ đầu tháng Chạp,các loại đặc sản mang tính chất vùng, miền bước vào mùa phục vụ Tết. Năm nay, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều có giá, đời sống nông dân khấm khá nên sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường rất mạnh. Sản phẩm phục vụ thị trường Tết năm nay rất đa dạng, phong phú, chất lượng…”- bà Giang Thị Thu Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh phồng Ngọc Anh (ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) chia sẻ.

Sản phẩm phong phú

Gia đình bà Giang Thị Thu Hiền có 3 đời làm nghề sản xuất (SX) bánh phồng. Bánh phồng của gia đình bà có 2 loại, loại nướng xong mới ăn và loại ăn liền. Đối với bánh nướng, sau khi qua lửa, bánh phồng phình lên rất to, ăn vào vừa thơm, vừa tan nhanh nên người tiêu dùng rất thích. Năm nay, từ thời điểm giữa tháng 11 (âm lịch), cơ sở SX bánh phồng của bà đã sáng đèn, tấp nập chuẩn bị hàng để phục vụ Tết. Hiện nay, sản phẩm làm ra không chỉ bán ở thị trường trong tỉnh mà còn bán ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bà Hiền cho biết: "năm nay tình hình SX, tiêu thụ hàng hóa ổn định. Cụ thể, giá nếp 600.000 đồng/bao (50kg), giá thuê nhân công tăng không đáng kể, trong khi đầu ra của sản phẩm ổn định. Người dân thành thị rất thích và tìm mua các loại bánh dân gian Nam Bộ như: bánh phồng, bánh tét để cúng ông bà trong 3 ngày Tết, đồng thời làm quà cho người thân và bạn bè, vì vậy các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng, miền bán rất chạy…”.

Hiện nay, xóm bánh phồng nơi đây có khoảng 30 hộ SX, bình quân mỗi ngày, cả xóm đưa ra thị trường trên 50.000 cái bánh, tùy vào kích cỡ khác nhau mà bánh có giá cao hoặc thấp, giá mỗi cái bánh từ 1.000-2.000 đồng. Ở Phú Tân, ngoài SX bánh phồng phục vụ thị trường Tết, các cơ sở chuyên kinh doanh nếp vào mùa làm hàng để bán đi các địa phương.

Ngoài giống nếp CK92 (loại nếp rặt chuyên dùng để gói bánh tét, bánh ít, bánh ú), các cơ sở kinh doanh nếp nơi đây còn bán các loại nếp NK1, NK2, CK 2003. Bình quân mỗi ngày, mỗi cơ sở chuyên doanh nếp xuất hàng chục tấn hàng ra thị trường, góp phần tiêu thụ hết lượng nếp trong vùng.

Chất lượng nào, giá cả đó

Ở Phú Tân có nếp, bánh phồng, lạp xưởng bò thì ở TX. Tân Châu có bánh bò, khô cá sặc bổi, cá lóc, lãnh Mỹ A; TP. Châu Đốc có khô bò, cá tra phồng, mắm các loại; Tịnh Biên, Tri Tôn có đường thốt lốt, rượu cà na, rượu hồng quân, khô nhái…

“Thị trường hàng hóa phục vụ Tết năm nay rất đa dạng và phong phú. Ví dụ: khô cá sặc bổi, nếu khô 1 nắng (loại mua thì phải ăn liền, không mang đi xa được) có nơi bán 230.000 đồng/kg, có nơi bán 260.000 đồng/kg. Loại 2-3 nắng thì có giá từ 320.000-380.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng sản phẩm mà giá cả khác nhau.

Khô cá lóc cũng vậy, tùy vào khô 1 nắng hay 2-3 nắng mà giá cả khác nhau. Nếu khách mua làm quà tặng nên mua khô 3 nắng, loại này mang đi xa và để lâu được, bảo quản dễ dàng…” - chị Trần Thị Mỹ Hạnh, chủ sạp khô Mỹ Hạnh (TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Nét mới của các loại hàng hóa phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất năm nay là sản phẩm rất đa dạng, phong phú, mẫu mã rất bắt mắt. Các cơ sở SX rất quan tâm đến mẫu mã, bao bì và giá bán rất cạnh tranh. Năm nay, ngoài các loại thực phẩm, thị trường còn xuất hiện 1 loại tranh mang tính trang trí trong nhà đó là tranh nghệ thuật được vẽ bằng bút lửa. Đây là một loại hình nghệ thuật tương đối đặc sắc, bán rất chạy trên thị trường, bình quân mỗi bức tranh (tùy theo kích thước, nét vẽ phức tạp hay đơn sơ) có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng.

“Tranh bút lửa xuất hiện trên thị trường vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Đây là loại hình nghệ thuật khá độc đáo. Người nghệ sĩ sáng tác phải dùng bút lửa để vẽ. Sức nóng của đầu đồng (cây bút) làm cho miếng gỗ bị cháy xém. Người nghệ sĩ muốn nét vẽ đậm hay nhạt thì điều chỉnh đầu đồng. Cụ thể, nếu đưa đầu đồng xuống sát miếng gỗ thì nét vẽ sẽ đậm và ngược lại. Người vẽ loại tranh này, ngoài niềm đam mê còn phải có năng khiếu…” - họa sĩ Phạm Hữu Tài (xã Hội An, Chợ Mới) chia sẻ.

Nếu trước đây, người ta nhờ đến các ông thầy Đồ vẽ câu đối để treo trong nhà vào các ngày Tết thì nay, gia đình khá giả thường mua tranh bút lửa để treo trong phòng khách, phòng thờ. Tranh này vừa mang tính trang trí, vừa mang tính giáo dục con cháu (qua những câu đối, câu danh ngôn) phải sống có nghĩa, có tình; con người có tổ có tông, biết kính trên nhường dưới, biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội…

“Những năm qua, người SX các mặt hàng đặc sản mang tính vùng, miền không chỉ SX hàng hóa phục vụ Tết mà còn phục vụ thị trường du lịch quanh năm. Đối với rượu hồng quân, cà na vùng Thất Sơn, năm nào du khách về tham quan du lịch nhiều thì năm đó hàng hóa bán rất chạy. Thời gian qua, các cơ sở SX hàng mang tính đặc sản vùng, miền đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh thông qua việc SX hàng hóa chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ du khách. Từ đó, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều hơn…”- ông Bành Thanh Hải, chủ cơ sở SX rượu Tùng Nhung (thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) chia sẻ.

 

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích