Điểm nghẽn trong xuất khẩu cá nước ngọt

18/04/2019 - 07:45

 - Nuôi cá nước ngọt là thế mạnh của ngư dân vùng ĐBSCL. Ngoài mặt hàng cá tra, các loài cá nước ngọt như: cá he, cá hú, cá lóc, cá trê, cá rô… đều có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, việc xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn khiêm tốn.

Từ tiêu chuẩn, chất lượng

Gia đình ông Nguyễn Thanh Dũng (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) có 3 đời nuôi cá nước ngọt. Các đối tượng cá nước ngọt được gia đình chọn nuôi là: cá tra, cá he, cá rô phi đỏ (còn gọi là cá điêu hồng). Tùy vào thời điểm của thị trường, dự báo của thương lái mà mỗi năm, mỗi vụ ông thả nuôi các đối tượng phù hợp, tạo nguồn cung hợp lý để tiêu thụ được sản phẩm. Năm 2017 và 2018 là thời điểm “vàng son” của nghề nuôi cá nước ngọt, chỉ tính riêng cá rô phi đỏ, có thời điểm thị trường mua đến 46.000 đồng/kg, bình quân mỗi kg cá, người nuôi lãi 14.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng cá he, cá hú là những đối tượng ít người nuôi nên những năm qua, cả 2 mặt hàng cá chợ này luôn ở mức cao. Bình quân giá cá he, cá hú từ 32.000-36.000 đồng/kg.

ĐBSCL có nhiều làng bè nuôi cá chợ, chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa

“Trên 50 năm sống với nghề nuôi cá chợ (từ đời ông nội, đời cha tôi rồi nay đến đời của tôi), đầu ra chủ yếu của gia đình vẫn là các chợ đầu mối trong tỉnh hoặc TP. Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi năm, gia đình sản xuất các mặt hàng cá nước ngọt khoảng 500 tấn trở lên và khả năng còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, khó nhất trong nuôi các mặt hàng cá chợ là đầu ra, năm nào thị trường thiếu thì năm đó giá rất cao; ngược lại, năm nào ngư dân tập trung thả nuôi 1-2 mặt hàng như: cá điêu hồng, cá he thì năm đó giá rớt thê thảm. Còn nuôi để xuất khẩu thì vướng các tiêu chuẩn, chất lượng” - ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, một trong những cái khó của ngư dân tham gia nuôi cá xuất khẩu là các tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Cụ thể, đối với cá rô phi đỏ, đây là mặt hàng có lợi thế rất lớn trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) cùng những thị trường khác, tuy nhiên, một trong những chỉ tiêu bắt buộc mà các nhà nhập khẩu khi kiểm tra hàng hóa là chỉ tiêu về kháng sinh, vi sinh. Từ đó, các mặt hàng cá nuôi của ngư dân ở xã Mỹ Hòa Hưng nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung khó xuất khẩu vào các thị trường mang tính cấp cao.

Đến quy mô nuôi trồng

“Những năm qua, gia đình tôi đã nhiều lần kết hợp các công ty chuyên về xuất khẩu, tổ chức nuôi cá theo tiêu chuẩn, chất lượng để xuất vào các thị trường lớn, khó tính như: Mỹ và EU, nhưng việc này gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các mặt hàng cá nước ngọt nuôi tại vùng ĐBSCL khi vào 2 thị trường này đa phần vướng phải hàng rào kỹ thuật. Các thị trường này kiểm soát các loại kháng sinh cấm rất nghiêm ngặt, cụ thể đó là: Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Chloramphenicol, Chloroform Chlorpromazine, Dimetridazole, Colchicine, Dapsone, Dimetridazole, Metronidazole, Nitrofuran… Nếu cá trong bè bị nhiễm các loại kháng sinh này thì các công ty chế biến xuất khẩu sẽ không mua, trong khi nguồn lây nhiễm cho cá đối với các loại kháng sinh có thể do nguồn nước, thức ăn hoặc con giống, rất khó kiểm soát” - ông Nguyễn Thanh Dũng (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng) phân tích.

Điểm nghẽn trong xuất khẩu cá lóc vào các thị trường khó tính là cá bị nhiễm kháng sinh và vi sinh

Để khắc phục những hạn chế về mặt tiêu chuẩn, chất lượng trên các đối tượng thủy sản xuất khẩu, ngư dân trong tỉnh đã tổ chức nuôi cá theo mô hình VietGAP hoặc GlobalGAP… Song, việc áp dụng các tiêu chuẩn này đã làm cho giá thành nuôi cá luôn ở mức cao, sản phẩm kém sức cạnh tranh trên thương trường. “Các mặt hàng cá chợ như: cá rô phi đỏ, cá he, cá hú, cá lóc, cá trê… rất khó xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Mỹ và EU. Bởi, thị trường nhập khẩu đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng rất cao. Nếu nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP thì giá thành rất cao, vì mật độ cá thả vào bè hoặc ao ở mức độ vừa phải, trong khi tỷ lệ sống của cá giống ở mức thấp, vì vậy ngư dân nuôi theo các tiêu chuẩn mà ngành nông nghiệp hoặc các nhà nhập khẩu khuyến cáo rất khó thực hiện. Đây là điểm nghẽn trong xuất khẩu cá nước ngọt hiện nay” - bà Trần Thị Mỹ Lệ (xã Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Tiềm năng, trữ lượng các mặt hàng cá nước ngọt rất lớn, song để xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường cấp cao còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc khắc phục 2 chỉ tiêu quan trọng là tồn dư kháng sinh và lây nhiễm vi sinh. Về quy mô nuôi trồng, đa phần ngư dân nuôi theo hình thức “3 tự”, là: tự phát, tự nuôi và tự mang đi bán; chứ việc liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp theo mô hình, tiêu chuẩn, chất lượng rất ít hoặc có làm nhưng chưa thành công.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu các mặt hàng cá chợ sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành cá nước ngọt, tạo thu nhập cho ngư dân và mang kim ngạch xuất khẩu lớn về cho tỉnh. Hy vọng, việc này sẽ được các cơ quan chức năng trong tỉnh chú trọng và tìm giải pháp trong thời gian tới.

“Thách thức lớn nhất của ngành thủy sản nước ngọt là việc quy hoạch, kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, chất lượng và nguồn cung con giống không ổn định, cụ thể là tỷ lệ sống thấp, trại ương giống quy mô nhỏ, khó quản lý; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao. Khắc phục được điều này, chúng ta sẽ thành công hơn nữa” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích