Ông Trần Văn Nam (một trong những hộ nuôi cá tra giống ở xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết diễn biến bất thường đã khiến cho những mẻ cá tra giống của ông ương đạt tỷ lệ rất thấp. Giai đoạn ương nuôi từ cá bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống chịu sự tác động mạnh của BĐKH. Thời tiết “nóng, lạnh” bất thường trong ngày đã làm cho nhiệt độ nước trong ao nuôi thay đổi đột ngột, độ PH khi lên cao, khi rớt xuống thấp làm cho cá thích nghi không kịp, từ đó cá bị yếu, dịch bệnh rất dễ tấn công. “Trước đây, bệnh gan thận mủ đa phần xuất hiện vào mùa mưa, tháng nước đổ, nay bệnh xuất hiện quanh năm, từ đó làm cho chi phí nuôi tăng cao. Đối với ao nuôi cá tra giống, trung bình độ PH trong ao từ 75-85o. Nay, thời tiết nóng, lạnh bất thường, độ PH trong ao (trong 1 ngày) có khi lên đến 95o và tuột xuống 65o, cá bị sốc nên vi khuẩn dễ tấn công làm cá bỏ ăn” - ông Nam chia sẻ.
Cá chết, nhiều ngư dân xả bỏ hầm để thả nuôi lại đợt sau
Thời tiết bất lợi, cá giống không sạch bệnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuôi thua lỗ của những hộ nuôi cá tra xuất khẩu. Hiện nay, ngoài những hộ chuyên ương cá giống, hộ nuôi cá thịt bị ảnh hưởng nặng. Cụ thể, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, hầm cá tra thịt của gia đình bà Lê Thị Lan (xã Hòa Lạc, Phú Tân) phải tốn rất nhiều chi phí để điều trị bệnh cho cá. Vụ thu hoạch vừa rồi, dù giá cá tra thịt ở mức 30.000 đồng/kg nhưng bà Lan vẫn bị lỗ. “Nguồn nước bây giờ đã bị ô nhiễm. Thời điểm cá tra có giá, những hộ chuyên ương nuôi cá giống vì lợi nhuận đã ép cho cá đẻ non. Con giống không khỏe, dễ bị dịch bệnh tấn công. Cá thường mắc bệnh gan thận mủ, đây là căn bệnh rất khó điều trị…” - bà Lan chia sẻ.
Bệnh gan thận mủ trên cá tra được phát hiện lần đầu vào năm 1998. Lúc ấy, bệnh chỉ xuất hiện trên cá da trơn, đặc biệt là cá tra, cá basa. Đến nay, bệnh đã xảy ra trên tất cả các loại cá nuôi như: cá tra, basa, cá lóc, điêu hồng, cá rô và kể cả con ếch… Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt là mùa mưa, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Edwardsiella Ictaluri tấn công cá qua mang, da hoặc theo đường thức ăn. “Cá bị bệnh này thường bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, bên ngoài thân cá bình thường hoặc bị xuất huyết. Khi mổ ra, bên trong gan, thận có nhiều đốm trắng (như đốm mủ). Tỷ lệ cá chết khá cao. Nếu điều trị không hiệu quả có thể cá chết hết ao” - bà Lan chia sẻ.
Đối với ao nuôi cá tra thịt, khi ao bị vi khuẩn Edwardsiella Ictaluri tấn công thì chi phí điều trị bệnh tăng từ 3.000-4.000 đồng/kg. Lượng thức ăn tăng cao, thay vì 1.55 thức ăn cho ra 1kg cá tăng trọng thì nay, tỷ lệ này có thể tăng lên 2-2.5 thức ăn. “Nếu cá nuôi phát triển bình thường thì 15,5 tấn thức ăn cho ra 10 tấn cá. Khi cá bị bệnh thì 15,5 tấn thức ăn có khi chỉ thu hoạch được 7-8 tấn cá hoặc thấp hơn, thua lỗ là điều chắc chắn” - ông Trương Văn Vĩnh (xã Đa Phước, An Phú) chia sẻ.
Ngoài các loại dịch bệnh tấn công còn phải kể đến chi phí thức ăn. Chi phí này chiếm khoảng 70% vốn. Những năm cá mất giá, chi phí thức ăn cho một vụ nuôi cá không tăng. Nay, giá cá đang ở điểm đỉnh, các doanh nghiệp FDI, chuyên cung cấp thức ăn cho thị trường đã điều chỉnh giá thức ăn tăng lên. Cụ thể, đối với thức ăn Greefish (loại 40 độ đạm), có giá đến 17.900 đồng/kg. Một bao thức ăn 25kg, ngư dân phải trả 447.500 đồng. Đây là giá bán của đại lý cấp 1, còn hộ mua lẻ ở các cửa hàng thì giá cao hơn. BĐKH đã tác động mạnh đến ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Để SX phát triển ổn định, ngư dân cần phải tính toán giải pháp để thích nghi. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MINH HIỂN