Phía sau những ngôi nhà từ thiện

25/10/2018 - 06:46

 - Phong trào cất nhà từ thiện ở các địa phương đang được nhân rộng và thu hút nhiều nhà hảo tâm. Đối với họ, những việc làm thiện nguyện là thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội, với người kém may mắn hơn mình. Thế nên, họ sẵn sàng cho đi mà không cảm thấy tiếc nuối, không mong nhận lại bất cứ điều gì.

Cho đi không mong nhận lại

Những năm gần đây, các mô hình Tổ cất nhà từ thiện, Tổ mái ấm tình thương (gọi là Tổ từ thiện) xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh. Việc mang lại mái ấm cho người nghèo được coi là việc làm ý nghĩa, thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái”, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Đằng sau những ngôi nhà Tình thương là những đóng góp không mệt mỏi của các nhà hảo tâm

Có một điểm khá giống nhau của các Tổ từ thiện là sự nhiệt tâm với các hoạt động xã hội; các tổ trưởng, tổ viên đa phần là nông dân, tranh thủ thời gian nông nhàn tham gia công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo. Nhiều thành viên trong tổ có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày “đầu tắt, mặt tối” bên ruộng, vườn. Nhưng khi xã hội cần, họ bỏ công việc đồng áng sang một bên, lấy hết sức mình để giúp đỡ các hoàn cảnh đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, có những người hoàn cảnh gia đình không dư dả, không thể giúp đỡ những người nghèo khó bằng vật chất, nhưng sẵn sàng giúp được người khác trong khả năng của mình. Thậm chí có những người dù tay chân không được lành lặn nhưng vẫn nhiệt tình tham gia.

Điển hình như chú Ngô Văn Nga (66 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã Hòa An, Chợ Mới), gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân lại mất 1 tay nhưng chú vẫn tham gia đều đặn với Tổ cất nhà từ thiện ở ấp An Thạnh. Hay chú Bùi Văn Cơ (thành viên Tổ cất nhà từ thiện ấp Thị 1, thị trấn Chợ Mới, Chợ Mới) bị liệt 2 chân vẫn ngày ngày theo tổ để cất nhà trong và ngoài địa phương...

Đối với họ, cho đi không mong nhận lại, chỉ mong bản thân giúp được nhiều hơn cho xã hội. Lợi ích đó có chăng, chỉ là niềm vui khi thấy người được mình giúp đỡ vui vẻ, hạnh phúc là họ cảm thấy mãn nguyện.

Khi lòng tốt trao nhầm người

Ông bà ta có câu, “An cư lạc nghiệp”, đối với nhiều người, có được ngôi nhà lành lặn để che nắng, che mưa là mơ ước cả đời khó thực hiện. Vì vậy, sau khi được những nhà hảo tâm giúp đỡ sẽ tạo động lực để họ lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Điển hình như gia đình chị Phan Thị Thiêm (ngụ ấp Bình Quới, xã Hòa An) không có đất sản xuất, thu nhập của gia đình đến từ công việc chằm nón, làm thuê, làm mướn… tất cả chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nên việc sửa chữa lại căn nhà dột nát, xiêu vẹo còn không đủ, nói chi tới việc mơ ước có được căn nhà mới.

“Nhờ Tổ từ thiện mà tôi có được căn nhà tươm tất, tôi rất cảm kích và biết ơn. Gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn để không phụ lòng các anh, chú đã giúp tôi có được ngôi nhà này”- chị Thiêm chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những căn nhà mà mình được trao tặng. Nhiều người coi đây là trách nhiệm của xã hội, không quan tâm đến việc chăm lo phát triển kinh tế mà chỉ dựa dẫm vào lòng tốt của người khác.

Theo chú Lê Hữu Nghĩa, Tổ trưởng Tổ cất nhà tình thương (ấp Thị 1, thị trấn Chợ Mới), có những ngôi nhà sau khi xây dựng xong, gia chủ bán nhà, đi nơi khác làm ăn. Có gia đình, sau khi được hỗ trợ nhà ở, gia chủ “ăn nên làm ra”, tổ đến xin vận động để giúp đỡ người khác thì họ từ chối. Hoặc trong quá trình xây dựng, nhờ chủ nhà mua một ít vật dụng nhưng lại bị từ chối mặc dù điều kiện cho phép...

“Nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh như vậy cũng buồn. Nhưng anh, em động viên nhau, cũng như nghĩ đến mục đích mình làm nên giấu nỗi buồn”- ông Nghĩa cho biết.

Làm việc thiện nguyện, nghĩa tình vẫn luôn được nhiều người trân trọng, sẵn lòng và coi đó là cái tâm, cái tình, nhiều người còn coi đây là trách nhiệm của mình đối với xã hội, với những người kém may mắn.

ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích