Xuân về trên những vòng xe

07/02/2018 - 01:00

 - Khi các chợ hoa xuân bắt đầu nhộn nhịp với cảnh “người mua, kẻ bán” cũng là thời điểm những người mưu sinh bằng nghề chở hàng thuê bắt đầu hối hả vào “vụ”. Tuy có phần vất vả nhưng công việc này đã giúp nhiều người có nguồn thu nhập để mua sắm những vật dụng cần thiết khi Tết đến - xuân về.

TP. Long Xuyên những ngày cuối năm, phố phường tấp nập xe cộ. Tại chợ hoa xuân ở phường Mỹ Long và Mỹ Xuyên, các hộ trồng, kinh doanh cây kiểng đã bắt đầu trưng bày những chậu hoa, cây kiểng đẹp nhất để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Đối với người dân, những ngày này, ai cũng mong muốn có những chậu kiểng ưng ý để trang trí trong nhà khi xuân về. Các cơ quan, công ty tận dụng thời điểm này để mua một số loại hoa để trang trí cho nơi làm việc thêm sinh khí… nên nhu cầu vận chuyển từ đó tăng lên. Đây là dịp để cánh xe kéo, xe lôi đạp có thêm nguồn thu nhập.

Những người mang mùa xuân đến với mọi nhà

Những người mang mùa xuân đến với mọi nhà

Hành nghề chạy xe “ôm”, xe kéo được gần 6 năm, cứ vào dịp cận Tết là anh Lê Văn Phương (sinh năm 1972, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) lại đến với chợ hoa để chở hàng cho khách hàng và năm nay không ngoại lệ.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương cho biết: “Ngày thường, tôi chạy xe “ôm”. Những ngày cuối năm tôi gắn thêm thùng kéo phía sau để vận chuyển cây cảnh, kiếm thêm thu nhập để sắm sửa trong dịp xuân về. Chở hàng những ngày này thu nhập cao hơn so với ngày bình thường. Nếu khách đông, siêng chạy có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày”.

Anh Phương cho biết thêm, chi phí vận chuyển tùy theo thỏa thuận, nếu quen thì dễ. Nếu lạ thì mình hỏi địa chỉ của khách rồi chở tới. Khi đến đúng địa điểm mới nhận tiền hoặc nếu cần khách có thể chạy trước hoặc chạy theo sau lưng để hàng đến nhà thuận lợi.

“Nếu chở hàng trong nội ô TP. Long Xuyên thì chi phí mỗi chuyến từ 30.000 - 80.000 đồng. Nếu chạy xa như đến ngã ba lộ tẻ (Tri Tôn), mỗi chuyến khoảng 200.000 đồng” - anh Phương cho biết.

Những người mang mùa xuân đến với mọi nhà

Cũng như anh Phương, chú Nguyễn Văn Quang (57 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước) cho biết, gần đến Tết nhu cầu chở hoa, kiểng của khách hàng ngày càng cao nên thu nhập cải thiện hơn.

Chú Quang tâm sự: “Nghề này cực lắm, vì muốn kiếm tiền nên tôi cố gắng làm. Ngày nào may mắn chở được 3-4 chuyến, còn không chỉ có 1-2 chuyến. Nhiều khi ngồi cả ngày không chở được chuyến nào, mình có tuổi rồi chạy cũng không bằng những người trẻ”.

Theo anh Huỳnh Văn Chánh (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), dù nghề này cho thu nhập cao nhưng chỉ mang tính thời vụ, chỉ trong khoảng 1 tháng là chợ tan nên anh cùng những người bạn tranh thủ chạy thật nhiều để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, trang trải trong dịp Tết.

Công việc này rất cực khổ và vất vả, đòi hỏi người chở phải có sức khỏe tốt, sự dẻo dai và khéo léo. Đối với những cây mai, cây kiểng lớn khá nặng đòi hỏi người điều khiển phải ràng buộc cẩn thận, giữ chắc tay lái, đảm bảo thăng bằng, chú ý quan sát khi di chuyển.

“Những ngày này, đường phố đông xe, nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Mình phải hết sức cẩn thận để không làm hư, gãy cây kiểng của khách hàng. Đôi khi, khách ở những địa chỉ khó tìm, trong những ngỏ nhỏ ngoằn ngoèo, nhiều ngách, lối rẽ, phải cố gắng mới không bị nhầm đường.

Những lúc như thế vừa mất thời gian, tốn tiền xăng xe, thậm chí còn bị khách mắng vì mất nhiều thời gian, lỡ công việc tiếp theo của họ” - anh Chánh tâm sự.

Những người mang mùa xuân đến với mọi nhà

Dù công việc vất vả, khó nhọc nhưng những người tham gia công việc vận chuyển hoa, kiểng vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Bởi sau lưng họ là gia đình, mong họ đem thu nhập về để trang trải cuộc sống.

Họ lao động, tận dụng từng phút giây để chắt chiu từng đồng, bởi thời điểm này là cơ hội để họ kiếm thêm thu nhập vui Tết, đón xuân.

Đối với nhiều người, họ là những người âm thầm mang hương sắc mùa xuân đến với từng gia đình.

ĐÌNH ĐỨC