“Alô, Long Xuyên nghe!”

05/10/2021 - 05:35

 - COVID-19 làm mọi người tạm ngừng tiếp xúc gần, nhưng lại làm gia tăng kết nối điện thoại, mạng xã hội. Tình người, chẳng những không vơi đi, mà lại ngập tràn sau những kết nối ấy. Điển hình như câu chuyện những số điện thoại đường dây nóng ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) dưới đây.

Một hình thức tuyên truyền hiệu quả

Trong tháng 9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên công bố số điện thoại đường dây nóng “4 an” - 0911425456. Qua đó, tiếp nhận, giải đáp phản ánh, thắc mắc của người dân liên quan đến an ninh kinh tế (bấm phím 1), an sinh xã hội (bấm phím 2), an ninh trật tự (bấm phím 3), an toàn sức khỏe (bấm phím 4). Ở từng lĩnh vực sẽ có các cơ quan chuyên môn phụ trách, như: Phòng Kinh tế, Công an, UBMTTQ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ huy Quân sự, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, HĐND và UBND thành phố.

Mỗi ngày, địa phương tiếp nhận hàng chục cuộc gọi của người dân (ở cả 4 lĩnh vực), nội dung liên quan đến: hồ sơ, thủ tục để nhận hỗ trợ lao động tự do; chính sách hỗ trợ tiền điện, nước; thời gian cách ly khi về từ vùng dịch… Các thắc mắc được lãnh đạo ngành, phòng, ban hướng dẫn, trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, tổ tư vấn sức khỏe cộng đồng được thiết lập, thông qua 4 số điện thoại (0949744113 - 0917210612 - 0949649679 - 0918755296), nhằm tư vấn sức khỏe cho người dân, nhận thông tin phản ánh về tình hình sức khỏe cộng đồng, kịp thời sàng lọc đối tượng có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

BS CKII Nguyễn Văn Sử (Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên) là một trong những người đứng đầu ban ngành thành phố phụ trách đường dây nóng, liên quan đến y tế. Công việc chuyên môn “mùa COVID-19” vốn dĩ bận rộn, lại thêm phụ trách đường dây nóng, càng chia nhỏ quỹ thời gian của ông. “Áp lực lắm chứ. Nhưng tôi xác định: người dân quan tâm, gọi điện thoại cho địa phương là tín hiệu đáng mừng. Trao đổi, tư vấn qua điện thoại như một hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của địa phương đến với người dân. Từ người này, họ sẽ truyền đạt, chia sẻ đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp… xung quanh họ. Để tiết kiệm tối đa thời gian trao đổi, mà vẫn hiệu quả, tôi thường trả lời thẳng vào trọng tâm, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Quan trọng nhất là động viên “ai ở đâu ở đó”, ghi nhận và giải tỏa vướng mắc họ đang băn khoăn” - ông Nguyễn Văn Sử chia sẻ.

Tiếp nhận những tấm lòng

Trước đó, khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP. Long Xuyên nhanh chóng thiết lập hệ thống đường dây nóng, gồm 14 số điện thoại của MTTQ thành phố, cấp xã để hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chăm lo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cấp cứu người bệnh khi có yêu cầu. Thông qua ứng dụng Zalo Connect, thành lập các nhóm trợ giúp, là tổ trưởng tổ dân phố khóm, ấp ở địa bàn dân cư. Họ có trách nhiệm xác minh, hỗ trợ đúng đối tượng một cách thiết thực nhất.

Trong những người nắm giữ số điện thoại đường dây nóng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ TP. Long Xuyên Nguyễn Thanh Quang hầu như bận rộn suốt. Ông nhận được rất nhiều cuộc gọi hỏi thăm về chính sách an sinh xã hội của thành phố, những lời kêu cứu “Cho tôi thực phẩm”. Hễ nhận được cuộc gọi nào tương tự, ông yêu cầu phường, xã xác minh, nhanh chóng hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân

Đến nay, TP. Long Xuyên đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 4.272 người lao động, kinh phí trên 7 tỷ đồng; rà soát, lập danh sách 52 trường hợp người dân về từ vùng dịch trình UBND tỉnh. Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, phường, xã tiếp nhận gần 4 tỷ đồng (tiền mặt) và nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm (giá trị quy đổi thành tiền trên 20 tỷ đồng). Qua đó, cấp phát cho trên 118.000 lượt người; duy trì “Gian hàng 0 đồng”, “Gian hàng học phẩm 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”… kịp thời hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng dịch bệnh.

Điều khiến ông Nguyễn Thanh Quang yên tâm nhất là toàn thành phố không còn hộ nào ở khu nhà trọ, người khó khăn, hộ nghèo… không được nhận hỗ trợ. Trong số đó, các hộ nghèo được nhận từ 3-6 đợt quà, giúp họ vượt qua ngày tháng giãn cách, túng bấn vì dịch bệnh.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Đường dây nóng của hệ thống MTTQ chúng tôi có một điểm rất hay. Không phải cuộc gọi nào cũng đều nhờ hỗ trợ an sinh xã hội. Mà rất nhiều cuộc gọi, đầu dây bên kia ngỏ ý muốn giúp đỡ người dân, hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Họ tin tưởng, muốn MTTQ làm cầu nối để gửi tặng quà, đóng góp vào “cuộc chiến” này.

Theo như số liệu thống kê, chúng tôi tiếp nhận hàng chục tỷ đồng, đâu phải số lượng nhỏ! Không kể ngày nghỉ, đêm hôm, bất cứ lúc nào nhà hảo tâm có lòng, chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Mỗi sự hỗ trợ sẽ giúp người dân khó khăn ở TP. Long Xuyên thêm một chút quà, giúp đội ngũ làm nhiệm vụ thêm động lực vật chất và tinh thần. Đường dây nóng làm cầu nối để “đón nhận” và “cho đi” hiệu quả vô cùng” - ông Nguyễn Thanh Quang không giấu được niềm vui.

Sứ mệnh của những đường dây nóng ấy sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Và tôi nghĩ rằng, kể cả khi dịch bệnh trôi qua, các địa phương vẫn có thể duy trì mô hình hoạt động này, duy trì sự tương tác gần gũi để “dân hỏi - chính quyền nghe, trả lời và giải quyết”. Hãy để chúng “hâm nóng” cuộc sống từng ngày, từng giờ, bằng một cách thức rất riêng “Alô, Long Xuyên nghe!”.

GIA KHÁNH