Tôi may mắn khi có tuổi thơ được bà và mẹ “tắm đẫm” giai điệu ngọt ngào của những lời ru. Có lẽ vì thế mà khi có em, tôi thành “trợ thủ đắc lực” giúp mẹ trông em. Còn nhớ, mỗi khi em khóc, tôi lật đật trèo lên võng, ẵm vô thế ngủ giống như mẹ hay làm rồi cất tiếng “ầu ơ”, bắt chước bà và mẹ. Cũng lạ, những lời ru ấy, tôi có học bao giờ đâu, chỉ là mỗi khi bà hay mẹ ru em, tôi ngồi kế bên, vậy mà cũng thuộc được vài câu “tủ”. Có điều, bà và mẹ ru em đi vào giấc ngủ rất nhanh, chỉ sau vài câu “ầu ơ”.
Còn tôi, ru đến khản tiếng mà mãi không thấy bé ngủ. Hay tại giọng mình chưa được ngọt ngào như bà và mẹ. Lúc đó, tôi thường nghĩ vậy. Lời ru cũng bẵng đi từ lúc chị em tôi lớn lên. Những tưởng nhiều năm không hát ru, mẹ tôi cũng quên dần. Ấy vậy mà, khi mẹ ru cháu ngoại vài tháng tuổi trên cánh võng trước nhà, nó vẫn mượt mà, ngọt ngào, ngân nga như ngày xưa.
Lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ là “trường học” đầu tiên của trẻ
Không sai khi có người nói “lời ru dẫn lối ta về tuổi thơ”. Từ chiếc võng thơ ngây, tâm hồn trẻ được nuôi lớn bởi những lời ru đẹp đẽ. Dễ dàng thấy được, đạo làm con, nghĩa vợ chồng, tình anh em, cách đối nhân xử thế… ẩn chứa trong từng câu hát ru. Lời ru vì thế mà có sức sống mãnh liệt như những viên ngọc soi sáng mỗi tâm hồn trẻ thơ, góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người. Nhìn đứa con nhỏ ngủ ngoan trên tay bà trong tiếng ru mới thật bình yên biết bao.
Quả thật, giai điệu “ầu ơ” như một chất gây “nghiện” với trẻ nhỏ. Con tôi bây giờ, trưa nào không có bà hát ru thì giấc ngủ không sâu. Còn tôi thì xem đó là “chiếc vé” giúp mình trở về tuổi thơ. “Ầu ơ”… Ngày nào em bé cỏn con, bây giờ em đã lớn khôn thế này/ Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bỏ, “ầu ơ”… nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao”.
Tuổi thơ, chắc hẳn ai đó cũng từng ít nhất một lần được đắm mình trong lời ru ngọt ngào trước khi chìm vào giấc ngủ. Tự nhiên, tôi thấy con mình thật may mắn khi tuổi thơ được dỗ dành bởi tiếng hát ru của bà. Từng giấc ngủ của con luôn thấm đẫm những lời ru ngọt ngào cùng với tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt. Những lúc thấy bà ru em, con gái lớn của tôi ngọng ngịu hỏi: Ai dạy bà những bài hát này mà bà thuộc nhiều như vậy? Bà nó chỉ cười móm mém rồi xoa đầu bảo, ngoại nghe bà cồ con hát riết rồi biết hát theo thôi.
Những giai điệu yêu thương đó được bắt nguồn từ xa xưa, có sức sống lâu bền và mãnh liệt và sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Như một cách tự nhiên và vô hình, những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng ân tình đó đã bồi đắp tuổi thơ của biết bao trẻ thơ. Có gì là cao sang đâu, chỉ là những câu dân ca, ca dao, tục ngữ của ông bà từ ngàn xưa, vậy mà được hát đi hát lại qua bao thế hệ vẫn không bị “lỗi thời”.
Đôi khi, miên man với vô vàn suy nghĩ, bao bận bịu lo toan của công việc, của cuộc sống hàng ngày, bất chợt nghe thấy lời ru con cất lên từ đâu đó, tôi thấy lòng dịu lại, những hình ảnh ấu thơ thi nhau kéo về. Trong nhịp sống tốc độ và hiện đại thời đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày nay, mấy nơi còn tồn tại cảnh bà ru cháu, mẹ ru con trên cánh võng, mấy ai còn được nghe điệu “ầu ơ” quen thuộc. Sẽ có người nói, ôm ấp ru riết trẻ quen hơi, khó tính. Hay, ngồi hát ru mất thời gian, giờ người ta bán đủ loại nôi rung có kèm nhạc, thích bài nào mở bài ấy, chẳng mấy chốc là trẻ ngủ.
Trẻ nhỏ mà, thế nào cũng sẽ ngủ thôi. Nhưng theo cảm nhận của mình, tôi thích con được chìm vào giấc ngủ bởi tiếng ru ngọt ngào của bà ngoại hơn là những âm nhạc “không cảm xúc” phát ra từ máy móc. Được bà ôm ấp, dỗ dành bằng tiếng ru hời quen thuộc, trẻ sẽ thấy an toàn, ấm áp và cảm nhận tình thương của bà nhiều hơn. Chưa kể, lời ru ngọt ngào trìu mến, quyện vào tiếng võng đong đưa là tiền đề nuôi dưỡng nhân cách trẻ sau này, vì chất chứa ở đó là những đạo lý làm người.
“Ầu ơ”… Đói lòng ăn hột chà là/ Để cơm nuôi mẹ, “ầu ơ”… để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng” - chiếc võng nhà tôi vẫn kẻo kẹt cùng tiếng ru cháu vào giấc ngủ của bà ngoại. Nên chăng, những lời ru mộc mạc từ bao đời ấy cần được giữ gìn để không bị mất đi theo thời gian!
PHƯƠNG LAN