Công an thành phố Biên Hòa (Ðồng Nai) ra quân bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Ðồng Nai đã tập trung đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động theo băng nhóm mang tính chất xã hội đen. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời điểm lực lượng công an toàn tỉnh thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.
Trong những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an tỉnh Ðồng Nai đã chủ trì, phá thành công liên tiếp hai chuyên án mang bí số 1221N, 1221M, bắt 8 đối tượng chuyên tổ chức mua bán phụ nữ sang Campuchia để hoạt động mại dâm. Là một trong những nạn nhân, chị P.T.H.D, 25 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, trình bày, trước đó có quen biết và được đối tượng tên Bảy giới thiệu sang Campuchia làm việc tại quán kinh doanh nhà hàng karaoke với mức lương mỗi tháng từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Thông qua Bảy, chị D kết nối zalo với Phan Thị Kim Huệ và hứa hẹn qua Campuchia chỉ làm việc nhẹ, lương cao nên đã đồng ý. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, nạn nhân mới biết công việc không đúng như lời hứa hẹn, mà bị ép buộc làm gái mại dâm. Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Phó Trưởng phòng PC02, cho biết: Trong cả hai chuyên án, các đối tượng có chung thủ đoạn hoạt động dưới hình thức đăng thông tin tuyển nhân viên nữ làm việc tại casino, sòng bạc, game trực tuyến trên mạng xã hội, nhằm thu hút những phụ nữ đang tìm kiếm việc làm; tiếp đó, tìm cách dụ dỗ, hứa hẹn đưa các nạn nhân qua Campuchia làm việc nhàn hạ, với mức lương từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng phân công nhau sử dụng xe ô-tô đưa đến khu vực cửa khẩu biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, rồi từ đây qua Campuchia bằng đường "tiểu ngạch". Trường hợp nạn nhân muốn về nhà, các đối tượng tại Campuchia cho gọi điện về gia đình yêu cầu số tiền chuộc từ 100-150 triệu đồng. Nếu gia đình không có tiền, chúng sẽ tiếp tục bán cho đường dây hoạt động mại dâm khác tại Campuchia. Sau khi bắt giữ các đối tượng trong hai đường dây nêu trên, trong ngày 4 và 5/1, Công an tỉnh Ðồng Nai đã hỗ trợ đưa bảy nạn nhân về quê an toàn.
Còn tại thành phố Biên Hòa, nơi có số dân khoảng 1,2 triệu người; tập trung nhiều khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Ðồng Nai, tình hình tội phạm hình sự cũng diễn ra phức tạp. Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Công an thành phố Biên Hòa đã đồng loạt ra quân đấu tranh triệt phá, không để hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Cách đây ít ngày, lực lượng Công an thành phố Biên Hòa bắt quả tang Hoàng Trần Hùng đang thu tiền của anh Vũ Xuân Tân tại phường Tam Phước, với lãi suất 40%/tháng. Từ lời khai của Hùng, lực lượng công an tạm giữ sáu đối tượng còn lại trong nhóm. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ nhiều sổ sách ghi chép liên quan hoạt động tín dụng đen. Bước đầu xác định, các đối tượng trong nhóm này đã cho người dân vay từ 5 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, với lãi suất 60%/tháng. Hình thức cho vay trả góp tiền gốc và lãi được tính theo tháng hoặc theo ngày. Khi người dân chậm trả nợ, các đối tượng sẽ điện thoại, nhắn tin khủng bố, đến nhà đe dọa, gây sức ép buộc phải trả tiền gốc và lãi.
Cán bộ Phòng PC02, Công an tỉnh Ðồng Nai lấy lời khai một đối tượng trong đường dây mua bán phụ nữ sang Campuchia.
Công an tỉnh Ðồng Nai cho biết, chỉ riêng đấu tranh với tội phạm hình sự, năm 2021 vừa qua đã triệt phá 64 băng, nhóm; bắt xử lý 518 đối tượng. Nhiều băng nhóm tội phạm tan rã, ngưng hoạt động hoặc thay đổi địa bàn. Theo đánh giá hiện nay, Ðồng Nai không có băng nhóm tội phạm hoạt động tổ chức theo kiểu xã hội đen. Ðây có thể nói là nỗ lực rất lớn trong việc huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phối hợp lực lượng công an phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT; đồng thời nhằm thực hiện kết luận của Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ðồng Nai vào cuối năm 2019, đó là: Ðến cuối năm 2021, địa bàn Ðồng Nai không còn băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu xã hội đen: "Bây giờ ở Biên Hòa cơ bản không còn các đối tượng xăm trổ hoạt động phức tạp, gây bức xúc, lo lắng cho người dân như trước đây nữa. Tôi rất yên tâm mỗi khi đi tập thể dục buổi sáng hay đi làm về khuya", anh Nguyễn Ngọc Tuấn, người dân phường Tân Biên cho biết.
Theo Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Ðồng Nai, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm và tổ chức đánh "trúng-đúng-mạnh" các loại tội phạm; đi đôi với xây dựng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân tại các địa bàn, góp phần bảo đảm ổn định tình hình ANTT trên địa bàn; các chỉ tiêu được Bộ Công an giao Công an tỉnh Ðồng Nai về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong năm 2021 đều đạt và vượt. Riêng với tội phạm hình sự, lực lượng đã đấu tranh, xử lý 1.301 vụ, với 2.964 đối tượng, giảm 19,76% so với năm 2020; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt hơn 92%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 95%.
Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Công an tỉnh Ðồng Nai đang tập trung đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm ngay từ khi mới manh nha hình thành, nhất là các băng, nhóm hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, cướp giật; kiên quyết không để phát sinh băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen; tiếp tục duy trì hiệp đồng đấu tranh phòng, chống tội phạm với công an các tỉnh, thành phố giáp ranh, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Ðồng, Bình Thuận. Thiếu tướng Vũ Hồng Văn cho biết: Ðể đấu tranh trấn áp mạnh với tội phạm hình sự, ngoài chủ công là toàn lực lượng cảnh sát hình sự từ Công an tỉnh, huyện, thì lực lượng cảnh sát cơ động có vũ trang sẽ tiếp tục phối hợp lực lượng công an ở cơ sở tuần tra vũ trang khép kín địa bàn, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở, bảo đảm trên từng con đường, khu dân cư, từ nông thôn đến thành thị, người dân Ðồng Nai đều được cảm thấy an toàn, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Theo THIÊN VƯƠNG (Nhân Dân)