“Căn bệnh vô cảm”

05/04/2022 - 06:45

 - Đó là tình trạng không cảm xúc, vô tâm với con người và môi trường xung quanh mà một số học sinh, thanh, thiếu niên đang gặp phải. Thay vào đó, các em chỉ yêu thích, chú tâm vào niềm đam mê của mình phần lớn là trên không gian mạng. Các em tuy học hành giỏi giang, nhưng lại kém tương tác và kỹ năng xã hội. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh trong thời buổi công nghệ số.

Một người mẹ, đồng thời là giáo viên trường THPT tại TP. Long Xuyên cho chúng tôi biết, con chị đang học lớp 6, với thành tích đứng nhất nhì lớp, có ưu thế vượt trội về ngoại ngữ. Nhưng gần đây, chị phát hiện con không còn nhanh nhạy, thích vui chơi theo đúng độ tuổi như trước. Ngoài giờ học, con thích chơi game, chị cũng chấp thuận.

Đến khi chơi các trang mạng xã hội, chị mới biết con mình thích trêu đùa, nói xấu bạn bè, xem đó là niềm vui. Nhưng dường như con ít có cảm xúc với thực tế xung quanh, không lưu tâm những vấn đề trong cuộc sống. Nhận thấy con dần trở nên vô tâm với đời sống thực tế, chị cấm con sử dụng điện thoại, Internet một thời gian để chấn chỉnh.

Đó cũng là tâm sự của một cán bộ quản lý trong ngành giáo dục. Ở công tác chuyên môn, họ có thể tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn tác phong, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên. Thế nhưng, con trai đến tuổi “nổi loạn”, bản thân họ làm phụ huynh dần rơi vào bế tắc. Hầu như trẻ con bây giờ đều trở nên như vậy: Cư xử bốc đồng, không biết cách nói chuyện nhẹ nhàng, tình cảm với người thân, bạn bè xung quanh. Có thể do sự tác động mạnh mẽ của thế giới ảo, học sinh dễ dàng đam mê rất nhiều thứ hấp dẫn, sinh động. Đến khi rời mạng, lại không thể cảm nhận điều hay, lẽ phải và cuộc sống thực tế. “Căn bệnh vô cảm” này dường như khó phát hiện và tiến triển dần theo năm tháng.

Một bạn sinh viên năm thứ 2 (Trường Đại học An Giang) mạnh dạn chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Bạn ấy thấy thật khó khăn trong giao tiếp, không thể dùng ngôn từ để diễn tả suy nghĩ của mình như trước đây, chỉ là trao đổi với bạn bè cùng trang lứa. Còn với người lạ, hầu như bạn chào hỏi, chứ rất ngại ngần, không biết nói gì, không biết bắt đầu từ đâu.

Bạn ấy cũng phát hiện mình hầu như không hiểu nổi những hoạt động trong xã hội, lười ra đường, lười kết giao với bạn bè mới và không cảm nhận niềm vui với bạn bè, môi trường xung quanh. Ngược lại, bạn rất thích chơi game đến khuya, chụp ảnh thật đẹp, lung linh để chia sẻ lên mạng xã hội, thích tìm hiểu những xu hướng mới lạ của giới trẻ để bắt chước…

Ngay khi được người lớn chỉ ra điểm hạn chế, sự thiếu tương tác và thiếu kỹ năng xã hội, cô gái trẻ đang dần thay đổi, để bản thân trở nên năng động, hòa nhập hơn với bạn bè, để ngay khi ra trường có đủ kiến thức và kỹ năng tìm được việc làm tốt.

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) nhận định: “Phụ huynh nên cho các em nhỏ được phát triển theo đúng lứa tuổi. Phát triển ở đây không có nghĩa là chiều cao và cân nặng, mà là sự nhận thức, cảm nhận cuộc sống và kiến thức môi trường, xã hội một cách tự nhiên. Chỉ khi nào “kéo” ra khỏi vùng phủ sóng wifi, các em mới cảm nhận từng ngọn cỏ, chiếc lá, biết yêu thiên nhiên, yêu động vật, biết được khung cảnh đẹp xung quanh, biết được vị ngon, dở của món ăn mình đang thưởng thức, biết chơi trò chơi đơn giản, không bạo lực, không sử dụng ngôn từ thô thiển.

Chính những hoạt động nhẹ nhàng, những câu chuyện cổ tích mới là bài học giáo dục nhân cách con người. Dần dần trẻ trưởng thành và trở thành người sống có cảm xúc, tình cảm với người thân và bạn bè. Vắng những hoạt động trên, trẻ sẽ xem điện thoại như người bạn thân thiết, càng lớn càng nhầm lẫn thế giới ảo là thế giới thật”.

NGỌC GIANG