“Cây cùng một gốc”

03/08/2022 - 07:12

 - Đó là niềm tin vững chắc của các thế hệ Hội Cựu chiến binh trong tỉnh An Giang và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Một bên là những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ với quân đội, trở về cuộc sống đời thường. Một bên là những người lính ngày ngày khoác lên mình bộ quân phục, ra sức cống hiến vì trọng trách được giao. Nhưng họ luôn cùng chung sứ mệnh “Bộ đội Cụ Hồ”, sát cánh trên mọi lĩnh vực.

Kết nối các thế hệ

Nhận thấy được sự gắn kết quý giá ấy, nhiều năm nay, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) và Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang xây dựng chương trình phối hợp hoạt động. Tất cả hướng tới việc giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng, mẫu mực trên các mặt hoạt động, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền; luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân; là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong hệ thống tổ chức dân vận ở địa phương.

Từ năm 2017-2022, cơ quan quân sự và hội cựu chiến binh các cấp phối hợp các lực lượng, tổ chức, địa phương vận động 7.551 thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, đạt 100% chỉ tiêu; 13.251 thanh niên tham gia lực lượng dân quân tự vệ; 1.218 em dự thi tuyển sinh quân sự (247 em trúng tuyển); phát triển 1.162 hội viên Hội Cựu chiến binh; củng cố 96 Câu lạc bộ Cựu quân nhân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,03% dân số, xếp nguồn dự bị động viên đạt trên 99,84% so với nhu cầu. Bên cạnh, 2 lực lượng tham gia hòa giải 262 vụ ở cấp cơ sở; giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở (2.420 lượt đồng chí tham gia, 8.480 ngày công lao động).

Thăm hỏi, tri ân cựu chiến binh

Đại tá Nguyễn Văn Hiền (Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hoạt động phối hợp giữa 2 lực lượng ngày càng chặt chẽ, đạt hiệu quả cao, góp phần tuyên truyền, vận động quần chúng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng được thế trận lòng dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Mặt khác, triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; giúp nhân dân phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai; giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tham gia tốt công tác xóa nghèo, chính sách hậu phương quân đội; vận động, tập hợp quân nhân xuất ngũ giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

“Tre già măng mọc”

Tại hội nghị sơ kết 5 năm phối hợp (2017-2022), đại tá Bùi Thanh Châu (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang) đề nghị, các đơn vị dành thời gian phân tích sâu mặt làm được, chưa được, liên quan đến công tác trao đổi thông tin; quản lý, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; vận động quân nhân xuất ngũ tham gia Câu lạc bộ Cựu quân nhân. Ngoài ra, có hay không khoảng cách giữa các thế hệ người lính, giải pháp khắc phục để hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả, chặt chẽ hơn...

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Châu Đốc Nguyễn Văn Lập bày tỏ: “Từ quan điểm cơ quan quân sự - hội cựu chiến binh là “cây cùng một gốc”, nên chúng tôi luôn quan tâm công tác phối hợp nhiều mặt, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra là cần thường xuyên đổi mới phương pháp phối hợp; xác định nội dung tuyên truyền, vận động bằng chương trình, việc làm cụ thể của từng ban ngành, đoàn thể, cần phải triển khai kịp thời”.

“Chúng tôi luôn xác định “Tre già măng mọc”. Khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính, chúng tôi lui về phía sau, nhưng luôn ủng hộ hoạt động của cơ quan quân sự, bằng cách tham gia hoạt động phối hợp ở vai trò cựu chiến binh” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Tân Dương Văn Lũy chia sẻ thêm.

Chuẩn bị cho giai đoạn phối hợp mới (2022-2027), vẫn là các công việc như cũ, trên tinh thần tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, hội viên hội cựu chiến binh, cựu quân nhân và nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với đó là tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động cách mạng ở địa phương, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống; giảm nghèo bền vững...

Tuy nhiên, để hoạt động phối hợp ngày càng hiệu quả, thì cơ chế thông tin, trao đổi cần được chú trọng nhiều hơn. Đại tá Nguyễn Thúc Linh (Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang) khẳng định: “Lực lượng vũ trang phải cung cấp thông tin kịp thời để hội cựu chiến binh các cấp tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, giúp định hướng đúng, nhanh chóng hơn nữa. Cần có thêm hoạt động quan tâm, thăm hỏi, động viên tinh thần cựu quân nhân, cựu chiến binh hiện đang tham gia lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, để họ yên tâm gắn bó với công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Thế hệ trẻ chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các chú, các anh đi trước. Những điều góp ý đúng, chúng tôi xin lắng nghe, tiếp thu, sửa chữa. Những điều còn vướng mắc, xin cho phép được giải thích, trình bày, trao đổi  để cùng hiểu nhau hơn. Từ đó, tạo mối gắn kết khăng khít giữa các thế hệ quân nhân, một lòng vì quê hương”.

5 năm qua, các đơn vị tham gia xây dựng TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Thoại Sơn và 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phối hợp vận động kinh phí tặng 1.958 suất quà cho gia đình chính sách, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, cựu quân nhân; xây tặng gần 180 căn nhà “Đồng đội”, “Tình đồng đội”, “Tình nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Tình thương”, “Đại đoàn kết”, tổng trị giá 7,5 tỷ đồng; tham gia xét, đề nghị 33.431 hồ sơ chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tìm kiếm, cất bốc, quy tập 518 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ.

GIA KHÁNH