“Cho đi” để “còn mãi”

17/12/2019 - 08:01

 - Mô, tạng và cơ thể người vừa mới qua đời vô cùng quý giá, bởi có thể được sử dụng để cứu chữa cho những người bệnh, hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu y học. Hiện nay, vận động hiến máu cứu người đã khó, vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời hoặc chết não lại càng khó khăn hơn, vì nhiều rào cản trói buộc suy nghĩ và hành động của mọi người. Nhưng khó không có nghĩa là không thể.

“Cho đi” để “còn mãi”

Sẵn sàng “cho đi” ngay khi có thể

Bạn Võ Đoàn Giang (sinh năm 1991, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) vừa gửi đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể (giác mạc, thận, tụy, tim, gan, phổi, gân, sụn, van tim...) sau khi chết hoặc chết não. “Tôi suy nghĩ rất đơn giản: đã mất đi rồi, thân xác dẫu nguyên vẹn cũng đâu làm được gì. Nếu hiến tặng sẽ giúp đỡ được những người nghèo khổ cần nội tạng để duy trì sự sống. Một khi đã “cho đi” thì đâu cần băn khoăn mình sẽ nhận được gì. Nhưng chắc chắn, “cho đi” như thế sẽ làm cho tôi được tồn tại trong một cơ thể khác. Tôi quyết định đăng ký rất nhanh chóng, chưa thông tin cho gia đình, nhưng tôi nghĩ họ sẽ đồng ý. Những người khác hiến tặng được thì tôi cũng sẽ làm được”.

Cách suy nghĩ và hành động của Giang nhận được nhiều sự động viên, khích lệ, tán thành trên trang mạng xã hội cá nhân. Thế nhưng, từ ủng hộ, động viên đến thực sự hành động vẫn còn khoảng cách khá xa. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ những ngày đầu thành lập đến nay, trung tâm đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Năm 2019, đã có khoảng 10.000 người đăng ký. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi nguồn tạng hiến.

“Cho đi” chưa bao giờ là dễ dàng, bởi phong tục tập quán, nếp suy nghĩ ăn sâu vào mỗi người dân về một thân xác vẹn nguyên sau khi qua đời, dù là của bản thân hay người thân trong gia đình. Đó là chưa kể, việc đăng ký hiến tặng vẫn còn những rào cản nhất định về chi phí, thủ tục. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy ấy, bắt đầu từ những người mạnh dạn đăng ký, sẵn sàng tư duy “cho đi” ngay từ khi còn đang khỏe mạnh, trẻ tuổi.

Để phục vụ cho nhu cầu đăng ký hiến tặng mô, tạng của nhiều cá nhân, tập thể, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, có 2 cách để thực hiện. Thứ nhất, người dân đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội); làm việc theo giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ lễ theo các quy định chung. Nếu người dân ở các tỉnh phía Nam, có thể đến trực tiếp đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Khi đi mang theo chứng minh nhân dân và 1 ảnh thẻ. Nếu không có sẵn ảnh thẻ, trung tâm sẽ chụp ảnh miễn phí. Thực hiện theo cách này, chỉ mất khoảng 15 phút sẽ có thẻ. Cách thứ 2 là mọi người tải mẫu đơn (tại đường link: http://vnhot.vn/article/huong-dan-dang-ky-hien-tang-mo-tang-sau-khi-chet-chet-nao). Sau khi in đơn ra, điền theo mẫu, gửi kèm theo 1 ảnh thẻ, 1 bản photo chứng minh thư (hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, không cần công chứng) tới trung tâm. Đối với cách này, dù ở tỉnh, thành phố nào trong cả nước đều có thể thực hiện.

Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006, Thông tư số 104/2017/TT-BTC, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày với mức 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 2 ngày; được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ; được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có). Thân nhân (của người hiến bộ phận cơ thể sau khi chết, người hiến xác) có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.

Việc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não chỉ cần chữ ký của chính cá nhân đăng ký, hoàn toàn miễn phí. Đây là nguyện vọng ban đầu nên sẽ không cần xét nghiệm hay khám sức khỏe vào thời điểm đăng ký. Sau khi nhận được hồ sơ, trung tâm sẽ làm thẻ và gửi về địa chỉ đăng ký. Để được hướng dẫn, tư vấn thêm, liên hệ 1900 633 408 (trong giờ hành chính). Khi có người thân qua đời hoặc chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô tạng của người đó, có thể gọi đến đường dây nóng 0915060550 vào bất cứ thời gian nào.

GIA KHÁNH