“Chợ di động” miền quê

13/03/2020 - 04:36

 - Đến với vùng quê ở miền Tây, sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đẩy, xe máy chở đầy ắp hàng hóa rong ruổi khắp ngõ xóm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của người dân, biến chợ quê thành những “chợ di động”.

“Chợ di động” miền quê

“Chợ di động” miền quê

“Chợ di động” cứ thế len lỏi đến khắp nơi, phục vụ nhu cầu cho bà con ở các miền quê

Ở cái “chợ di động” này, người dân có thể tìm mua bó rau, miếng thịt, gói xôi, bánh trái, đường, muối, các vật dụng gia đình, cho đến cây giống rau màu... Hình ảnh “chợ di động” được bà con vui vẻ chào đón, trở thành một nét văn hóa đẹp của người dân miền Tây sông nước.

Ở An Giang, không đâu nhiều xe đẩy như ở huyện Phú Tân, Chợ Mới và TX. Tân Châu. Bên cạnh đó, tuy không còn xuất hiện nhiều như xe đẩy, một số nơi như huyện Thoại Sơn và Tri Tôn thì hàng hóa được đặt xuống ghe, vỏ lãi len lỏi theo các kênh, rạch phục vụ bà con.

Các gian hàng lưu động rong ruổi khắp các xã, thị trấn, vào tận ngõ, ấp giúp bà con đỡ nhọc công đi chợ. Ai có vốn thì đầu tư một chiếc xe đẩy được hàn chắc chắn bằng sắt, vừa bền vừa tiện, để được hàng nhiều; còn ai vốn ít thì đóng chiếc xe đẩy bằng gỗ. Cho dù là xe đẩy gỗ hay sắt thì cũng được các tiểu thương tận dụng chất lên đủ thứ để bán, theo đúng nghĩa mang nguyên cái chợ lên chiếc xe đẩy.

Mỗi xe có một món hàng đặc trưng, nhưng có xe được người bán thiết kế mái che, có dàn móc treo với đủ mặt hàng từ đồ tươi sống cho đến lỉnh kỉnh đồ tạp hóa như: dầu gội đầu, mì gói, bánh kẹo...

Việc đẩy xe đi bán hàng ngày được chị em phụ nữ ở nông thôn chọn lựa như là một nghề để phụ giúp trang trải thêm thu nhập cho gia đình, trong khi đồng vốn bỏ ra không nhiều.

Mà đâu chỉ có phụ nữ, cánh đàn ông cũng tham gia buôn bán. Phần thì họ vẫn đẩy xe, số còn lại thì cho chiếc xe đẩy tay “lên đời” bằng chiếc xe đạp, xe máy  được gắn thêm thùng đồ phía sau xe, thiết kế các móc treo, vậy là rong ruổi cùng làng, ngõ hẻm phục vụ cho bà con.

Để chuẩn bị cho chuyến hàng từ tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc, họ tìm đến các chợ đầu mối lấy hàng thiết yếu, nhất là các loại rau, củ, quả, cho đến con con cá, miếng thịt tươi mới để phục vụ bà con.

Chiếc xe đẩy hàng đi trước, tiếng rao theo đó vang lên. Vậy là, khỏi phải bỏ công đi chợ xa, bà con muốn mua gì chỉ cần chờ xe đẩy đi qua, ngoắc vô là có ngay một mâm cơm ngon cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Cúc (người có thâm niên đẩy xe hàng đi bán gần 7 năm) nhớ lại: “Lúc đầu, làm nghề này cũng cực lắm. Mới đi bán, ít người mua nhưng nhờ mình mua bán thiệt tình, làm ăn rõ ràng, đồ ngon nói ngon, giá cả phải chăng nên bà con mua ủng hộ”.

Mua riết thành mối quen, nên giờ đường sá dù có thông thương, thuận tiện hơn hồi trước nhiều, người đẩy xe hàng đi bán cũng nhiều nhưng chị Cúc vẫn kiếm được đồng lời, trang trải kinh tế gia đình. Hàng hóa được chị Cúc lấy từ mối quen ở chợ đầu mối, khi thì sẵn chuyến đi bán, bà con đem đồ rẫy nhà trồng ra cân, chị cũng mua luôn.

“Bà con có ít, sẵn chuyến mình cân bán tiếp, lời lãi chừng vài ngàn đồng, họ cũng mua tiếp lại con cá, mớ rau, hàng xóm với nhau không, giúp qua giúp lại cho trọn tình”- chị Cúc thiệt tình chia sẻ.

Xen giữa chuyện mua bán là những lời hỏi han sức khỏe, gia đình, con cái hoặc gửi đồ cần mua cho chuyến hàng sau. Vừa chọn bó rau, bà Nga (xã Phú An, Phú Tân) không quên dặn dò: “Sáng ngày mốt, nhớ đem cho 2kg ngó sen, 1kg da đầu heo để nhà làm đám giỗ, dặn bây rồi là chắc có nghen”. Nhà neo người nên dù có đám tiệc, bà Nga vẫn đặt hàng người bán xe đẩy, khỏi phải đi chợ xa.

Ở quê, cứ nhìn chiếc xe đẩy là biết nông dân đang trồng vụ gì, cây gì, mùa nào thì loại đó. Chẳng hạn, vào những ngày cận Tết, các xe đẩy sẽ được bổ sung các hàng hóa Tết, nào bánh mứt, hoa kiểng, quần áo may sẵn, mùng mền, chiếu gối cũng được đầu tư thêm nhiều mẫu mã mới, đa dạng hơn cho bà con lựa chọn. Còn mùa nước lên sẽ có thêm bông điên điển, bông súng; nước giựt thì thấy thêm xe đẩy đi bán cây giống từ cải, ớt, cà chua...

Bên cạnh đó, các xe đẩy cũng góp phần đưa hàng hóa từ các làng nghề truyền thống đi khắp nơi. Từ tranh kiếng, lò đất, bánh phồng, sản phẩm rèn... đều được người bán đặt lên xe đẩy giới thiệu rành rọt với người mua.

Nhờ vậy, dù ở một chỗ nhưng người dân cũng biết được những sản phẩm của quê mình, do bà con mình làm ra, vừa chất lượng, giá cả phải chăng, góp phần gìn giữ làng nghề truyền thống ở các địa phương.

ÁNH NGUYÊN