“Chợ đời” di động

18/10/2024 - 07:01

 - Nếu có dịp về mấy nẻo đường quê miền Tây bằng xe hơi, người ngồi trên xe sẽ rất “bứt rứt”, bởi phải vượt qua đủ mọi chướng ngại trên đường. Mà chướng ngại phổ biến nhất là “chợ di động”, có khi cồng kềnh, cao gấp đôi chiếc xe 5 chỗ. Trên mỗi “chợ” ấy, dường như chất đầy phận đời mưu sinh của cả hộ gia đình…

Con đường chỉ vài mét chiều ngang, được láng nhựa phẳng phiu, thay thế cho lối đi “nắng bụi, mưa bùn” hồi xưa. Nhưng cái gì thay đổi thì thay, chứ tư duy sinh hoạt của bà con nông thôn vẫn giống hệt mấy chục năm trước. Họ thủng thẳng đi dạo, cho trẻ em vui đùa, “mượn” khoảng đường trước cửa nhà tự nhiên như sân nhà mình. Cộng thêm hàng chục xe đẩy bán hàng - “đặc sản” của nông thôn, làm cho con đường lúc nào cũng rộn ràng. Người này nương người khác, xe này nương xe khác mà đi. Đi một cách từ từ, chậm rãi, chứ đường quá hẹp, muốn đi nhanh, đi vội có được đâu!

Trên những con đường quê ấy ghi dấu bước chân cần mẫn của bà Lê Thị Đẹp (63 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú). Sáng sớm, bà đẩy xe rời nhà, bắt đầu hành trình mưu sinh, lặp đi lặp lại 30 năm nay. Người khác chọn bán rau, củ, quả, tạp hóa, còn bà chọn bán đặc sản đồng quê. Móc con rắn ri cá hơn 1kg ra khỏi giỏ, bà thoăn thoắt cân, tính tiền, “bàn giao” cho người mua. Mỗi ký rắn có giá 130.000 - 300.000 đồng, bà bán 3 - 4kg/ngày. “Món này hầm, luộc… kiểu gì cũng ngon hết. Bà con đặt dớn bắt được, gom tới nhà bỏ mối cho tôi, đủ thứ: Rắn, lươn, ốc, cá leo, cá lăng, mè vinh... Một mớ tôi đem đi bán dạo, từ sáng tới trưa. Từ trưa tới tối thì tiếp tục bán mớ còn lại tại nhà. Cứ ngày này tháng nọ, coi như đủ sống! Khi nào tôi sẽ ngừng bán dạo hả? Thôi thì đến lúc nào hay lúc đó” - bà chia sẻ.

Những chiếc xe kĩu kịt hàng

Xe hàng của chị Nguyễn Thị Thúy (42 tuổi, ngụ phường Nhà Bàng, TX. Tịnh Biên) to như một kios ở chợ. Chị kể, đây là sản phẩm của chồng mình. Sợ chị đi bộ vất vả, anh cặm cụi cải tạo chiếc xe Honda cũ, hàn chỗ này, gắn chỗ kia, thành chiếc xe “độc nhất vô nhị” chỉ riêng chị có. Hai bên thành xe là đồ khô (bánh snack, gia vị, đồ chơi trẻ em, mì gói…), phía dưới là cả chục hộp, rổ lỉnh kỉnh rau, củ, quả. Loại nào bà con thường hay mua, thì chị đều có sẵn, không nhiều cũng ít.

“Tôi theo nghề khoảng 20 năm nay rồi, từ lúc lập gia đình. Mỗi ngày, tôi chạy lên chạy xuống nhà 4 quận. Chừng 3 giờ, tôi đã có mặt ở chợ, mua này mua kia chất lên xe. Buổi sáng bán hết thì trưa tranh thủ chạy chợ bổ hàng thêm, ăn uống nghỉ ngơi chốc lát rồi đi bán tới 8 giờ tối. Đông người bán, nhưng không thiếu người mua, chịu khó chạy xe xa nhà chút thì cũng tìm được khách. Làm nghề này, không chỉ lanh lẹ mua bán, tính toán, mà còn phải biết chạy xe, lách qua lách lại khỏi đoạn đường hẹp, đông người. Xe chở hàng không thể chạy lùi như ôtô, tầm nhìn không tốt, nên càng phải cẩn thận hết sức mới không bị vướng, bị va chạm” - chị Thúy vừa bán, vừa chia sẻ.

Điểm chung nhất của mấy chiếc xe di động này là giá cả phải chăng, vừa túi tiền của người dân quê. Dĩ nhiên, tiền nào của nấy. Ai thích mua hàng tươi ngon, giá nhỉnh hơn chút. Còn mấy loại cây trái, rau củ dân dã, lỡ sứt sẹo, bán không kịp dưới trời nắng gió nên hơi mềm, chín già… thì giá cũng mềm theo. Ngẫm lại, tư duy “phục vụ khách hàng tận nhà” đã được áp dụng từ rất sớm, từ miệt vườn xa xôi. Là bởi vì người dân sinh sống quá xa trung tâm chợ, đi lại bất tiện, nên người bán quyết định “chiều lòng thượng đế”, “tay xách, nách mang” hàng hóa đến tận nhà người mua. Dần dần, xe bán hàng lưu động trở thành nét văn hóa độc đáo ở vùng quê, cũng là nếp kinh doanh linh hoạt, hiệu quả vô cùng. Đúng giờ đó, xe đi ngang xóm, khách đứng chờ sẵn hai bên đường, như lời hẹn hò chung thủy “không gặp không về”. Người chưa biết mua gì cho bữa ăn gia đình, thì nhờ chủ xe giới thiệu mấy món thịt cá tươi mới hôm nay. Người dự kiến sẵn món rồi, cứ một lòng chọn trúng “mối” bán. Mua xong, họ nhẩn nha nhìn ngó nguyên chiếc xe, xem còn món gì cần mua hay không. Chủ xe chịu khó đon đả, mời chào chút đỉnh, bảo đảm bán hàng đắt không kịp dừng tay!

Mà nào chỉ trên bờ mới áp dụng kiểu mua bán di động này. Với quan niệm “Ở đâu có khách, ở đó là chợ”, bà Giang Thị Hạnh (51 tuổi, ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hữu) “trích” một phần quầy nước giải khát trong nhà, đưa xuống chiếc xuồng nhỏ, lặn lội chèo tìm khách giữa đồng. “Không lập gia đình, không ruộng rẫy, tôi đi làm ăn ở tận tỉnh Đồng Nai. Đợt dịch COVID-19, tôi quyết tâm trở về quê, no đói gì cũng yên tâm hơn xứ người. Cứ 3 giờ sáng, tôi thức dậy pha cà-phê, trà đường, mua bánh mì, bánh bông lan… chất lên xuồng. Đúng 5 giờ sáng, tôi chèo xuồng ra đồng, chỗ nào có ghe cá thì tấp lại, mời họ ăn sáng, uống nước” - bà cho biết.

Ổ bánh mì chơi vơi giữa đồng nước chỉ có giá 10.000 đồng, ly nước từ 6.000 - 7.000 đồng, mấy loại bánh lặt vặt chẳng quá 10.000 đồng, tổng trị giá hàng trên xuồng chừng 2 triệu đồng đổ lại. Nhưng người mua vẫn đắn đo, cân nhắc mỗi khi xuồng của bà trờ tới. Họ lam lũ phơi nắng, phơi mưa cả ngày lẫn đêm trên sông, thu nhập lúc khá thiệt khá, lúc lại bèo hơn chữ bèo. Bởi vậy, ăn cái gì, uống cái gì họ cũng phải tính toán từng chút. Đa phần họ thức nấu cơm, pha cà-phê còn sớm hơn cả bà, nên chiếc xuồng của bà đôi lúc chòng chành vắng lặng…

“Trời nắng, tôi cho xuồng vào bóng cây mát. Chỉ sợ những lúc mưa gió, giông lốc, cực lắm! Trước tiên phải lấy bạt cao su che chắn hàng hóa thật kỹ, rồi mới tìm chỗ núp an toàn. Nguyên buổi sáng, tôi bán được chừng 20 ly nước, 15 - 20 ổ bánh mì. Chiều về, tiếp tục bán quán nước tại nhà. Nghề này thu nhập không nhiều, nhưng được cái thoải mái, tự do, có bó buộc gì đâu. Bữa nào đi bán cũng gặp người này người kia, nói chuyện “ta bà thế giới”, vui!” - bà Hạnh cười, đôi mắt lấp lánh sau vành nón lá.

Dù cuộc sống hiện đại biến đổi thế nào, tôi tin rằng, sẽ còn rất nhiều phận đời gắn chặt với quầy hàng lưu động ở miền quê. Họ cứ lam lũ mang đến những thứ người khác cần, mang về cho mình sinh kế ổn định. Nếu có gặp họ trên đường, di chuyển chậm một chút, cồng kềnh một chút, thôi thì cứ mở lòng thông cảm, xem như trải nghiệm một nét quê…

VẠN LỘC