“Có liên kết sẽ tiêu thụ được sản phẩm”

02/05/2023 - 08:55

 - Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới, trước thực trạng nhiều ngư dân nuôi cá trong tỉnh phản ánh cá đến kỳ thu hoạch nhưng không có doanh nghiệp (DN) thu mua.

Giá thức chăn nuôi cá có khuynh hướng tăng cao

Từ nuôi tự phát…

Tại những địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn của tỉnh An Giang, dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, giá cá tra thương phẩm của những hộ nuôi tự phát đã rớt “không phanh”, từ 31.500 đồng/kg xuống còn 27.000 đồng/kg. “Giá cá tra rớt 4.500 đồng/kg nhưng vẫn không tìm được DN thu mua, buộc chúng tôi nuôi giãn (1 tuần cho cá nghỉ ăn 2 ngày) để giảm lượng mồi, chờ giá tăng trở lại” - ông Trần Văn Cương (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) than vãn.

Vụ nuôi năm nay, gia đình ông Cương có 3 hầm nuôi cá tra thương phẩm. Sản lượng mỗi hầm khoảng 600 tấn. Cá hiện đã vào cỡ xuất khẩu nhưng do nuôi theo hình thức tự phát (không có hợp đồng liên kết tiêu thụ) nên không bán được. “Kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đó xuất khẩu bị hạn chế. Trong nước, kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài đến 5 ngày, các nhà máy không thu mua cá bên ngoài, từ đó giá cá rớt mạnh” - ông Cương phân tích thêm.

Những hạn chế của việc nuôi cá tra tự phát là sản xuất không theo tín hiệu của thị trường, người nuôi đa phần “đón mò” thông tin. Sản xuất không có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên khi thị trường có biến động, ngư dân ôm trọn rủi ro. Tai hại hơn, do sản xuất không có kế hoạch nên dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. “Cơ quan chức năng cần thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn trong điều hành sản xuất ngành hàng cá tra hiện nay. Trước hết, ngư dân nuôi cá phải nằm trong vùng quy hoạch, có hợp đồng liên kết, không giải quyết dứt điểm vấn đề này sẽ gặp phải nhiều hệ lụy khác như lúc cá tăng giá, hộ nuôi tự do giữ cá để chờ tăng thêm, trong khi các công ty xuất khẩu không chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất, rất dễ vỡ kế hoạch, thậm chí phải bồi thường hợp đồng cho đối tác nước ngoài” - ông Trần Thanh Hoàng, Chi hội trưởng (Chi hội nuôi cá Hoàng Thành, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) kiến nghị.

…đến hợp đồng liên kết

Khác với ông Cương, ông Nguyễn Văn Nhiệm ở TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nên đã chuyển từ nuôi tự phát sang nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Nam Việt từ đầu năm 2022 đến nay. Thị trường có biến động lớn, ông vẫn bình tĩnh, tự tin để tổ chức sản xuất. “Nuôi tự phát, khi thị trường khan hiếm cá nguyên liệu, người nuôi lời rất nhiều. Song, một khi thị trường biến động, người nuôi lỗ rất nhiều. Trong khi nuôi gia công, trong tình huống xấu nhất lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg, chứ không phải mất đến 4.500 đồng/kg như hiện nay. Lỗ là vì cá nuôi quá cỡ, tiêu tốn nhiều thức ăn, chứ không phải lỗ do không tiêu thụ được” - ông Nhiệm chia sẻ.

An Giang là tỉnh đi đầu trong nghề nuôi cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL. Toàn tỉnh hiện có 1.224ha nuôi cá tra thương phẩm, với 339 cơ sở nuôi. Sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn/năm. Hiện, có đến 87% diện tích nuôi có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, số còn lại (13% diện tích) không có hợp đồng liên kết. Trước khó khăn như hiện nay, ngư dân có hợp đồng liên kết vẫn hơn những hộ không có hợp đồng. “Nuôi gia công cho DN không phải lo đầu ra, người nuôi chỉ tập trung cho khâu kỹ thuật để làm sao cá đừng bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thịt cá trắng là đạt. Hiện, giá nuôi gia công mà DN ký hợp đồng từ 5.500 - 6.500 đồng/kg, mức giá chấp nhận được” - ông Phó Văn Liêu (hộ nuôi cá tra gia công cho Công ty Cổ phần Nam Việt) chia sẻ.

Ông Liêu cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ông đã xuất hầm, giao cá cho Nam Việt được 2.700 tấn, thu nhập từ nuôi gia công ổn định cho gia đình. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, hiện có gần 20 hộ tham gia ký hợp đồng liên kết, nuôi gia công cho DN, diện tích 50ha mặt nước. Đối với những hộ nằm trong chuỗi liên kết, dù giá cá trên thị trường có biến động, hợp đồng gia công vẫn được thực thi. Trước bối cảnh khó khăn của ngư dân nuôi cá tra hiện nay, Nam Việt có chủ trương sẵn sàng ký hợp đồng liên kết để hỗ trợ ngư dân. Hộ nào chưa ký được hợp đồng liên kết với 8 chuỗi liên kết (đã hình thành), có thể đến Công ty Cổ phần Nam Việt để thỏa thuận, tiêu thụ sản phẩm cho những vụ nuôi tiếp theo.

“DN ký hợp đồng trực tiếp với các đối tác nước ngoài, chính họ mới là người biết thông tin một cách chính xác thị trường mua cá cỡ lớn hay nhỏ, sản lượng bao nhiêu, từ đó đặt hàng ngư dân nuôi. Liên kết làm ăn với họ thì cả 2 đều được lợi, còn tự ý nuôi theo cách “đón mò” thị trường để sản xuất thì rủi ro rất lớn. Tôi chọn hình thức nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Nam Việt để an toàn” - ông Nguyễn Văn Nhiệm nhấn mạnh.

 

MINH HIỂN