
An Giang là địa phương có diện tích, sản lượng lúa gạo dẫn đầu cả nước
Bước tiến vững chắc
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, 50 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà từng bước khắc phục khó khăn, trở ngại, nỗ lực khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế địa phương. Từ cơ chế tập trung, “đổi mới” tiến tới hội nhập và phát triển, ngành nông nghiệp đều tạo được dấu ấn riêng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà. Cụ thể, giai đoạn 1975 - 1986, từ việc chỉ tập trung chuyển đổi 1 vụ lúa mùa nổi thành 2 vụ lúa ngắn ngày, ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, với trên 93% ruộng đất được tập thể hóa, 86% nông dân tham gia làm ăn tập thể trong 2.607 tập đoàn sản xuất, 7 hợp tác xã và 69 tập đoàn máy nông nghiệp. Sản lượng lúa năm 1985 đạt 860.907 tấn, diện tích canh tác 103.115ha.
Giai đoạn 1987 - 2000, tỉnh chú trọng vào mục tiêu đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 1988 tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn này, An Giang là tỉnh tiên phong thành lập Chương trình phát triển nông thôn sớm nhất trong cả nước, mở ra tăng vụ đầu tiên 1.700ha ở xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành), Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn). Từ đó, đã trở thành phong trào mạnh mẽ, làm cho cả vùng tứ giác Long Xuyên như một nông trường sôi động, sản xuất không kể ngày đêm.
Năm 1989, sản lượng lúa của An Giang lần đầu đạt 1 triệu tấn, bắt đầu xuất khẩu gạo. Đến năm 2000, năng suất lúa bình quân đạt 5,58 tấn/ha mỗi vụ, sản lượng lúa đạt hơn 2,3 triệu tấn/năm. Sang giai đoạn 2001 - 2015, ngành nông nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Giai đoạn này, hoạt động sản xuất lúa hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường xuất khẩu.
Năm 2014, sản lượng lúa đạt 4 triệu tấn, năng suất lúa bình quân ổn định từ 6,2 - 6,4 tấn/ha. Mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cũng được nâng tầm thành mô hình “Cánh đồng lớn”. Đồng thời, việc sản xuất, tiêu thụ lúa qua hợp đồng giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trở thành động lực cho quá trình đưa hạt gạo An Giang chinh phục thị trường thế giới.
Giai đoạn 2016 - 2025, ngành nông nghiệp An Giang chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Năm 2024, tổng diện tích xuống giống cây lúa khoảng 618.600ha, sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, xuất khẩu gạo ước đạt 510.000 tấn, tương đương 295 triệu USD.
Bước ra thế giới
Với diện tích, sản lượng lúa thuộc tốp đầu khu vực ĐBSCL và cả nước, An Giang đang hướng đến mục tiêu đưa hạt gạo chinh phục thị trường khó tính trên thế giới. Việc tích cực đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa song song với cấp mã số vùng trồng, cho thấy những nỗ lực của tỉnh “chuẩn hóa” chất lượng hạt gạo xuất khẩu.
Hiện nay, ngành nông nghiệp cấp 193 mã số vùng trồng lúa với tổng diện tích 11.862ha, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích gieo trồng lúa. Trong đó, 131/193 mã số vùng trồng xuất khẩu, diện tích 7.922ha. Ngành nông nghiệp còn tăng cường thúc đẩy diện tích liên kết tiêu thụ lúa (đạt khoảng 74.623ha, chiếm 12,1% tổng diện tích gieo trồng trên toàn tỉnh). Tỉnh có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 5 sao cấp quốc gia; 1 sản phẩm gạo, 2 sản phẩm rượu gạo và 1 sản phẩm thanh gạo lứt ngũ cốc đạt OCOP 3 sao.
Dù thương hiệu gạo An Giang ngày càng phát triển, nhưng ngành hàng lúa gạo còn đứng trước nhiều thách thức, như: Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất lúa gạo; thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc; sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất gạo trên thế giới...
Tuy nhiên, An Giang vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Với chất lượng gạo ngày càng được nâng cao, tỉnh có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường khó tính. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa gạo có thể giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, tỉnh còn kết hợp sản xuất lúa gạo với phát triển du lịch nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp An Giang hiện nay là khai thác tối đa tiềm năng, khắc phục khó khăn, trở ngại. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng giống lúa mới, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ bảo quản và chế biến hiện đại. Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo An Giang, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại; triển khai giải pháp thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo, tiêu biểu là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao…
THANH TIẾN