“Đánh thức” hệ thống giao thông thủy

08/06/2023 - 06:49

 - Cùng với hệ thống đường bộ cao tốc, các tuyến quốc lộ, đường ven biển đang được tập trung đầu tư, ĐBSCL còn có lợi thế về giao thông thủy, cần được phát triển song hành với đường bộ. Lợi thế của giao thông thủy là vận chuyển tải trọng lớn, tiết kiệm, an toàn hơn so giao thông trên bộ. Nếu được đầu tư đúng mức, các tuyến đường thủy còn thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ven sông.

Lợi thế đầu nguồn

Khi hạ lưu dòng Mekong đổ vào Việt Nam, được chia thành 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu, rồi hình thành 9 cửa sông (Cửu Long) trước khi đổ ra biển. Nằm ở đầu nguồn Cửu Long, vùng đất Tân Châu sớm phát triển thương cảng sầm uất, kết nối giao thương bằng đường thủy với thế giới bên ngoài.

Đầu thế kỷ XX, làng nghề tơ lụa Tân Châu được hình thành, sản phẩm lãnh Mỹ A nổi tiếng đã theo các chuyến tàu biển, có mặt ở Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Pháp, Ý… để phục vụ giới quý tộc, thượng lưu.

Những thương nhân đầu tiên của Việt Nam, như: Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… đã sử dụng những đội tàu mạnh nhất Việt Nam thời đó, mang hàng hóa trong nước ra nước ngoài buôn bán và đưa về những mặt hàng ngoại quốc để phân phối ra toàn vùng. Nhờ vậy, lĩnh vực thương mại - dịch vụ ở Tân Châu đã phát triển từ sớm…

Khi đường bộ phát triển, luồng đường thủy bị thu hẹp, thương cảng âm thầm biến mất, Tân Châu lại là vùng đất cù lao bị chia cắt. Ngày nay, những chuyến tàu DL quốc tế 5 sao vẫn thỉnh thoảng dừng trên sông Tiền, cách TX. Tân Châu trong tầm mắt nhưng rồi lại di chuyển lên phía Campuchia. Nếu giao thông thủy được chú trọng phát triển, Tân Châu được đầu tư thương cảng cho phép cập bến tàu DL quốc tế cao cấp và tàu hàng trọng tải lớn, thời hoàng kim thương mại - dịch vụ trên sông có thể tái hiện.

Giao thông thủy có nhiều lợi thế phát triển

Thấy được tiềm năng này, trong Đồ án quy hoạch chung TX. Tân Châu đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định 1263/QĐ-UBND, ngày 26/4/2017), một trong những định hướng đối với đô thị đầu nguồn là trở thành đầu mối giao thông thủy, bộ của khu vực, điểm trung chuyển hàng hóa giao thương qua biên giới Campuchia và các nước ASEAN.

Trong định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2035, TX. Tân Châu dành 21,8ha đất xây dựng khu thương cảng, cùng với khu DL thương cảng phát triển về phía Tây Nam. Khu thương cảng TX. Tân Châu được tận dụng từ khu đất bãi bồi không có dân cư, nằm tại vị trí ngã 3 sông Tiền - sông Cái Vừng.

Khu thương cảng với 6 khu chức năng chính, gồm: Khu dịch vụ DL sông nước; khu dịch vụ thương mại; khu khách sạn - nghỉ dưỡng; quảng trường trung tâm; công viên cây xanh tập trung kết nối không gian; cầu tàu là nơi đón tiếp du khách bằng đường thủy.

Để vực dậy thế mạnh đường thủy, TX. Tân Châu được đầu tư nạo vét, đảm bảo hành lang an toàn đường thủy các tuyến sông Tiền (sông cấp đặc biệt), kênh Xáng - Tân Châu (kênh cấp I). Đồng thời, nạo vét các kênh, rạch do thị xã quản lý, như: Kênh nhánh Đông, kênh nhánh Tây, kênh Bảy Xã; nạo vét đoạn từ kênh Thần Nông đến kênh Xáng và kênh Vĩnh An, từ kênh Thần Nông ra sông Hậu.

Kết hợp giao thông thủy bộ

Trong quy hoạch ĐBSCL, Chính phủ xác định ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa các phương thức vận tải.

ĐBSCL chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế.

Từ đó, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Long An, hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Hậu, hành lang kinh tế ven biển từ tỉnh Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ tỉnh Long An đến Kiên Giang.

Đồng thời, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là theo phương thức đối tác công - tư (PPP) gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP. Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh. Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển; phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.

Song hành với đường bộ, ĐBSCL được tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; phát triển các cụm cảng hàng hóa, cụm cảng hành khách và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa.

Toàn vùng hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia.

Khi cảng Trần Đề được nâng cấp và luồng sông Hậu, sông Tiền được mở rộng, tàu hàng lớn, tàu DL cao cấp từ biển Tây, khu vực TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ sẽ thuận tiện kết nối đến cảng Mỹ Thới (TP. Long Xuyên), cảng Bình Long (huyện Châu Phú), cảng Tân Châu rồi lên Campuchia, tạo nên tuyến đường thủy với tiềm năng phát triển lớn.

Điểm nhấn quan trọng của TX. Tân Châu là xây dựng cảng Tân Châu giai đoạn đến 2025, tiếp nhận được cỡ tàu 2.000T, công suất 500.000 tấn/năm; giai đoạn đến 2035, tiếp nhận cỡ tàu 5.000T, công suất 1 triệu tấn/năm. Đồng thời, xây dựng bến Vĩnh Xương, tiếp nhận cỡ tàu 2.000T, công suất 500.000 tấn/năm

 

NGÔ CHUẨN