Gợi ý từ các chuyên gia
Để chuẩn bị cho diễn đàn “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu”, UBND tỉnh An Giang đã chủ động mời, “đặt hàng” các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, DN am hiểu về kinh tế biên giới. Dù thời gian trao đổi, thảo luận khá ngắn, nhưng nhiều vấn đề về tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, khó khăn của kinh tế biên giới được mổ xẻ, phân tích, gợi mở, hiến kế để mở ra cơ hội phát triển tốt hơn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn do An Giang tổ chức
Điều phối và dẫn dắt diễn đàn thảo luận là PGS.TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ). Đây là chuyên gia có nhiều gắn bó với An Giang, thường xuyên tham gia nghiên cứu, đề xuất nhiều nội dung, chính sách kinh tế cho tỉnh. Đồng hành cùng PGS.TS Nguyễn Phú Son là PGS.TS Hồ Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang), người rất tâm huyết với kinh tế An Giang.
Tham gia diễn giả với tư cách nhà quản lý, cung cấp những thông tin xoay quanh vấn đề kinh tế biên giới là Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân. Trong khi đó, với kinh nghiệm đầu tư kinh doanh nhiều năm tại thị trường Campuchia, diễn giả Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Khải Duyên) mang đến những bài học thực tế, sát sườn về cơ hội, thách thức khi khai thác thị trường Campuchia. Đặc biệt, diễn đàn còn có một diễn giả tham dự online từ Campuchia là ông Phan Văn Trường, Bí thư thứ nhất phụ trách thương vụ Việt Nam tại Campuchia.
Các diễn giả cho rằng, việc UBND tỉnh An Giang chọn chủ đề “Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu” tại Mekong Connect 2022 là rất phù hợp và cần thiết. Đặc biệt là sau chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Campuchia, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia đã ký 11 văn kiện hợp tác mới. Đây được xem là thời cơ lớn để khai thác hiệu quả kinh tế biên giới. Theo PGS.TS Hồ Thanh Bình, trong khi thế mạnh nông nghiệp, du lịch đang được các tỉnh ĐBSCL tập trung khai thác thì tiềm năng kinh tế biên giới dù rất lớn, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. PGS.TS Nguyễn Phú Son cho rằng, kinh tế biên giới có vai trò rất quan trọng đối với ĐBSCL, đặc biệt là kết nối vào ASEAN qua cửa ngõ An Giang. Từ đây, hàng hóa ĐBSCL có thể rút ngắn con đường sang Trung Quốc khi tận dụng các tuyến kết nối Trung Quốc - Lào - Campuchia.
Đồng bộ hạ tầng kết nối
Tham gia diễn đàn từ Campuchia, ông Phan Văn Trường nhấn mạnh, thương vụ Việt Nam tại Campuchia đang tích cực nắm bắt thông tin, kết nối thị trường, sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam đầu tư kinh doanh vào thị trường còn nhiều tiềm năng này. Khi hàng hóa Việt Nam xây dựng được uy tín, thương hiệu, đứng vững tại thị trường Campuchia, sẽ thuận lợi xâm nhập sang các nước tiểu vùng sông Mekong, trung chuyển lên Trung Quốc bằng con đường mới…
Bí thư thứ nhất phụ trách thương vụ Việt Nam tại Campuchia Phan Văn Trường trao đổi online từ Vương quốc Campuchia
Với kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Campuchia, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Khải Duyên Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, ngay tại thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), nhiều trung tâm thương mại, khu chợ lớn có đến 70% là hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho DN khai thác thị trường Campuchia, bà Duyên đề nghị các tỉnh biên giới nên thành lập Đội phản ứng nhanh hỗ trợ DN, giải quyết kịp thời khi DN gặp khó khăn trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.
“Về mặt thủ tục thông quan hàng hóa, phía Campuchia thực hiện nhanh chóng, đơn giản hơn, trong khi bên Việt Nam mất nhiều thời gian. Do vậy, phía Việt Nam cần tinh gọn thủ tục “một cửa”, nên tách thông quan hành khách và hàng hóa xuất, nhập khẩu thành 2 lối riêng. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức diễn đàn đối thoại Việt Nam - Campuchia, mời DN tham gia để nắm bắt thông tin, chính sách mới, tránh thiệt hại khi thiếu cập nhật thay đổi” - bà Duyên đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, trong số 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, có 2 khu tiếp giáp Campuchia là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang. Đây là cơ hội để An Giang đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế biên giới.
Hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Ảnh: TRUNG HIẾU
Trong tương lai, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang sẽ là nơi giao thoa giữa 2 hành lang kinh tế quan trọng là tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đồng Tháp - An Giang - Phú Quốc (Kiên Giang) và tuyến cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) - Cần Thơ - An Giang. “Sân bay quốc tế Phnom Penh dời về gần An Giang hơn. Các tuyến cao tốc từ An Giang sẽ kết nối với cao tốc Campuchia và sân bay quốc tế. Như vậy, các tỉnh biên giới ĐBSCL sẽ thuận lợi kết nối vào Campuchia cả đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không” - ông Thư đánh giá.
Đến nay, Tập đoàn NovaGroup đã hoàn thành và chuyển giao Đề án quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương cho tỉnh An Giang, Đề án quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp cho tỉnh Đồng Tháp. Quy hoạch gồm 8 khu chức năng quan trọng, rộng trên 30.000ha. Quy hoạch này khi kết hợp với hạ tầng giao thông, hệ thống logistics, cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi đầu tư vào kinh tế cửa khẩu sẽ thật sự “đánh thức” kinh tế biên giới ĐBSCL, xây dựng vùng biên giới phát triển, thay vì chỉ khai thác thương mại biên mậu đơn thuần như lâu nay
|
NGÔ CHUẨN