“Đền ơn đáp nghĩa”

26/07/2019 - 07:29

 - “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Đối với những người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, thì tinh thần và nghĩa cử ấy càng trở nên thiết thực, thể hiện qua việc thực hiện tốt công tác chăm lo các chế độ, chính sách, hậu phương quân đội. Qua đó, thể hiện ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy tinh thần yêu nước của các thế hệ hôm nay.

“Đền ơn đáp nghĩa”

Viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày thương binh - liệt sĩ (27-7). Ảnh: H.HUYNH

“Đền ơn đáp nghĩa”

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thăm hỏi đời sống gia đình ông Lê Văn Sĩ (con liệt sĩ Lê Văn Út). Ảnh: DUY ANH

72 năm qua, Đảng và nhà nước luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng. Việc thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và có khoảng 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Tổng kinh phí thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác đền ơn đáp nghĩa…).

Ở An Giang, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương; chăm lo tốt các chế độ chính sách và tri ân đối với gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình người có công với đất nước. Tăng cường vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của xã hội và tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cùng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có trên 38.000 người có công và thân nhân đã được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi, trong đó gần 10.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ ngân sách của nhà nước với kinh phí khoảng 145 tỷ đồng/năm, số còn lại đã hưởng chế độ ưu đãi 1 lần theo quy định. Toàn tỉnh còn có trên 3.000 người được hưởng trợ cấp 1 lần; trên 2.500 học sinh, sinh viên là con người có công đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo với kinh phí trợ cấp bình quân trên 2,2 tỷ đồng/năm. Toàn tỉnh có trên 23.000 người có công, thân nhân và cựu chiến binh được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế với mức 4,5% lương tối thiểu, từ ngân sách ước tính khoảng 16 tỷ đồng/năm.

Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) năm nay, tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp Bưu điện tỉnh tiếp tục chi trả chế độ trợ cấp người có công qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh. Sở phối hợp các địa phương tổ chức gặp mặt và tặng quà theo mức quy định của UBND tỉnh và quà của Chủ tịch nước đối với người có công. Tổ chức thăm và tặng 15.050 suất quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công… với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBMTTQVN tỉnh chủ trì vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để có nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người có công cải thiện cuộc sống. Sở Xây dựng phối hợp hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 264 hộ gia đình người có công với cách mạng. Đồng thời, tỉnh tổ chức đưa 50 đại biểu người có công của tỉnh ra Hà Nội viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm các cơ quan trung ương. Đặc biệt, tiếp tục cập nhật thông tin lưu trữ và hoàn thiện dữ liệu hình ảnh phục vụ đề án Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với các trường hợp mất bằng… Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức tốt lễ “Thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.   

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chủ trì phối hợp Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Tịnh Biên tổ chức lễ cải táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (Tịnh Biên). Theo đó, tổ chức cải táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ về an nghỉ giữa lòng đất mẹ quê hương là trách nhiệm và là nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ hôm nay!.  

Bài, ảnh: HỮU HUYNH