Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đóng góp thảo luận tổ

06/05/2025 - 19:21

 - Chiều 6/5, thảo luận tại tổ 16, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Kon Tum, Hà Nam, Lai Châu tập trung thảo luận dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Quang cảnh thảo luận tổ

Đại biểu Trình Lam Sinh phát biểu

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định, Luật Năng lượng nguyên tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo lưu ý bổ sung, làm rõ các quy định về quản lý chất thải phóng xạ lâu dài; quy định việc tuân thủ và luật hóa tiêu chuẩn an toàn tiên tiến nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các tổ chức quốc tế khác vào dự án luật; quy định việc xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử. Năng lượng nguyên tử thuộc lĩnh vực khoa công nghệ, nên luật cũng nên quy định vấn đề có tính linh hoạt để có thể thích ứng với sự phát triển nhanh chóng.

Đóng góp dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đề nghị làm rõ một số giải thích từ ngữ, tránh trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với nhau; hạn chế liệt kê quá nhiều, không thể theo kịp sự phát triển về sau. Nên tách Điều 4 (Nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) để làm rõ chính sách đặc thù, vượt trội của Đảng, Nhà nước hiện nay. Điều 9 (Chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) chưa đề cập đến trách nhiệm hình sự, trong khi Điều 2 đã đề cập…

Tương tự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đồng tình với sự cần thiết thông qua dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xem đây là khâu đột phá thứ 4 (ngoài hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thể chế). Luật phải giải quyết được vướng mắc, khâu nghẽn từ trước đến nay trong lĩnh vực này, tránh đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, hình thức. Cần tổng kết việc thực hiện luật hiện hành (năm 2013), đánh giá hạn chế, nguyên nhân để xem xét, đề xuất trong luật mới. Cần có chính sách đột phá về thuế, ngân sách, cơ chế phân chia thành quả lẫn rủi ro…

GIA KHÁNH