Trước hết, cần nhìn nhận rằng, bình đẳng giới không đồng nghĩa với việc nam và nữ phải giống nhau về vai trò hay năng lực, mà là sự công bằng trong việc tiếp cận cơ hội, quyền lợi, trách nhiệm, sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi mặt đời sống gia đình. Với các gia đình trẻ, quá trình này đặc biệt quan trọng, vì đây là giai đoạn xây dựng nền móng cho cuộc sống hôn nhân, nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Nếu như trong quá khứ, người chồng thường được mặc định là trụ cột kinh tế, người vợ lo toan nội trợ và chăm sóc con cái thì hiện nay sự phân công này đã có nhiều thay đổi.
Nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện đại chọn cách chia sẻ công việc nhà theo nguyên tắc bình đẳng và linh hoạt, dựa trên hoàn cảnh cụ thể, khả năng của từng người. Chồng có thể nấu ăn, làm việc nhà; vợ có thể là người chủ động về tài chính, có sự nghiệp riêng và đưa ra quyết định trong một số vấn đề quan trọng. Sự thay đổi này phần lớn đến từ việc phụ nữ ngày nay có điều kiện học tập, làm việc và phát triển bản thân tốt hơn.

Liên hoan gia đình hạnh phúc tiêu biểu được tổ chức hàng năm
Phụ nữ trong gia đình trẻ không chỉ là “hậu phương”, mà còn là đối tác song hành cùng chồng trong mọi mặt đời sống. Ngược lại, nam giới cũng đang dần thay đổi quan điểm, hành vi. Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của hình ảnh “ông bố bỉm sữa” chủ động trong việc chăm sóc con cái đã cho thấy sự dịch chuyển lớn trong tư duy về giới. Từ đó, giúp giảm áp lực cho người phụ nữ, tạo ra một môi trường gia đình gắn kết.
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Vợ tôi làm doanh nghiệp, tôi kinh doanh tại nhà, có thể chủ động thời gian nên phần chăm sóc con do tôi đảm nhận. Ngoài giờ làm, vợ chồng cùng nhau chia sẻ việc nhà. Khi tham gia vào việc nội trợ, mới thấy phụ nữ vất vả lắm”. Chị Lê Mỹ Ngọc (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Chồng tôi lo kinh tế gia đình, tôi nội trợ và chăm con. Mặc dù làm việc theo giờ hành chính, nhưng mỗi sáng chồng tôi đều tranh thủ đưa con đến trường. Khi không bận xử lý công việc, anh cũng phụ việc nhà. Dù không nhiều, nhưng với tôi đó là sự sẻ chia, thấu hiểu”.
Vấn đề bình đẳng giới được đẩy mạnh tuyên truyền trong thời gian qua, nhằm thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân vẫn tồn tại quan niệm “phụ nữ nên hy sinh cho chồng con, làm tròn vai trò nội trợ và phục tùng chồng”. Tư tưởng này khiến không ít phụ nữ, dù có học vấn, nghề nghiệp, vẫn phải mang trên vai “gánh nặng kép”: Vừa làm ra kinh tế, vừa một mình lo toan nội trợ gia đình.
Một bất cập khác là khi tham gia vào việc gia đình, nhiều nam giới vẫn coi đó là sự “giúp đỡ”, chứ không phải trách nhiệm bình đẳng giữa vợ chồng. Quan niệm này khiến phụ nữ khi nhận được sự “hỗ trợ” từ người chồng lại càng áp lực lớn hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hôn nhân, tâm lý của phụ nữ và cả sự phát triển của trẻ nhỏ - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường gia đình. Ngoài ra, có những gia đình, người chồng luôn quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề lớn, như: Tài chính, hướng đi sự nghiệp, giáo dục con cái...
Hướng đến sự bình đẳng thật sự trong gia đình trẻ, trước hết tư duy, nhận thức của các đôi vợ chồng phải có sự tiến bộ, nhất là từ phía đàn ông. Người chồng cần có tư duy cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm và cùng đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng trong đời sống chung. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vai trò của giáo dục ở mỗi gia đình và nhà trường giữ vai trò quan trọng, giúp trẻ em hình thành tư duy sớm về giá trị của sự bình đẳng, tôn trọng người khác giới và không bị giới hạn bởi định kiến xưa cũ.
Ngoài ra, thông qua sự hỗ trợ từ những chính sách, như: Nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ; chương trình truyền thông thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới trong gia đình; chương trình phát huy vai trò của phụ nữ… là bước đi cần thiết giúp thay đổi nhận thức trong xã hội. Đồng thời, cần tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh gia đình bình đẳng, hạnh phúc, để truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng.
Bình đẳng giới trong gia đình trẻ hiện nay là một nhu cầu thiết yếu, phản ánh sự tiến bộ của xã hội và ý thức của mỗi cá nhân. Dù còn một số rào cản từ quan niệm trong mỗi gia đình, thế hệ, nhưng những chuyển biến tích cực đã góp phần tạo nền tảng công bằng xã hội, nhân văn và phát triển.
MỸ LINH