“Đồn là nhà, biên giới là quê hương"

17/06/2024 - 06:58

 - An Giang có đường biên giới quốc gia dài gần 100km, nằm trên 5 huyện, thị xã, thành phố. Địa hình nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở thuận tiện cho người dân qua lại biên giới, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để kẻ địch, các đối tượng, tội phạm hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang càng hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phải luôn cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ký kết thi đua chào mừng đại hội thi đua quyết thắng các cấp

Năm 1963, Tỉnh ủy An Giang quyết định thành lập lực lượng An ninh vũ trang và Trinh sát vũ trang tỉnh An Giang. Đó là những tổ chức tiền thân của BĐBP An Giang. Ngày 17/6/1976, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang chấp thuận cơ cấu, tổ chức, số lượng và phiên hiệu các đồn biên phòng.

Thời điểm này trở thành ngày truyền thống của BĐBP tỉnh An Giang. Thành lập chưa được bao lâu, CBCS phải đương đầu với thử thách vô cùng khốc liệt: Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Công an nhân dân vũ trang An Giang là lực lượng nổ phát súng đầu tiên báo động cuộc chiến tranh bắt đầu.

Trải qua hơn 1.300 ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu biên giới, chiến đấu quyết liệt, lực lượng chiến đấu gần 640 trận lớn, nhỏ với đủ hình thức; tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch; bắt và gọi hàng hàng trăm tên tàn quân, phản động, thám báo... thu trên 400 khẩu súng, hàng chục tấn đạn các loại; hàng chục xuồng, ghe và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

BĐBP tỉnh  An Giang có 130 CBCS đã anh dũng chiến đấu hy sinh, 67 đồng chí bị thương, bỏ lại một phần xương máu của mình. Sau những trận đánh oanh liệt, xuất hiện nhiều cá nhân chiến đấu dũng cảm, trong đó tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Long, chiến sĩ trẻ Phạm Xuân Soạn. Ngày 20/12/1979, đồng chí Hoàng Kim Long được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, các hoạt động của BĐBP An Giang bước vào giai đoạn mới, với những bước chuyển biến toàn diện và sâu sắc trên tất cả mặt công tác. Đơn vị đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều chủ trương biện pháp trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở biên giới, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng; xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt.

Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các hiệp ước, hiệp định, quy chế khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, “Ngày Biên phòng toàn dân"; tham gia lao động giúp dân, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh, xây cầu, làm đường, cất nhà, sửa trường học, thu hoạch hoa màu... với hàng chục ngàn ngày công CBCS tham gia. Đặc biệt, trong các mùa lụt lớn (năm 1994, 1996, 1998, 2000, 2010, 2011...) và dịch bệnh COVID-19 (năm 2021, 2022), hơn 15.000 lượt CBCS tích cực cùng các lực lượng và Nhân dân đắp đê bảo vệ mùa màng, cứu vớt hàng trăm người, phương tiện bị nước lũ cuốn trôi; đóng góp ủng hộ tiền, quần áo, tập sách, gạo, trị giá trên 6 tỷ đồng.

Với phương châm “Khôn khéo, kiềm chế và mềm dẻo”, nguyên tắc “Tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, BĐBP An Giang giải quyết tốt các vụ việc trên biên giới, mối quan hệ thân tộc, dân tộc, tôn giáo và việc làm ăn qua lại 2 bên biên giới, giữ vững tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng Việt Nam - Campuchia. Đơn vị duy trì họp đối ngoại định kỳ và đột xuất, gặp gỡ, trao đổi thông tin với chính quyền, lực lượng vũ trang Campuchia đối diện.

Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ động, nhạy bén tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới công tác biên phòng, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại; nắm chắc tình hình, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, địa phương xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân.

"Để giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH cho thế hệ trẻ; giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, mỗi CBCS BĐBP tỉnh An Giang hôm nay luôn vững vàng ý chí, kiên định mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đồng thời, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội và quy định của đơn vị, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, huấn luyện đạt kết quả cao nhất; luôn sẵn sàng chiến đấu, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao" - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang chia sẻ.

Lực lượng BĐBP tỉnh An Giang được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba. Có 3 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phân đội 2 cơ động - Đồn Biên phòng 933 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình) là Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; Đồn Biên phòng 941 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông), Đồn Biên phòng 925 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) là Anh hùng thời kỳ đổi mới; 1 cá nhân Anh hùng trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (liệt sĩ Hoàng Kim Long). 3 tập thể được tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, cờ dẫn đầu phong trào thi đua và bằng khen của các cấp vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

GIA KHÁNH