Ðể du lịch An Giang “cất cánh”

14/02/2018 - 01:09

 - Nằm ở đầu nguồn ĐBSCL, An Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh, có núi non hùng vĩ, huyền bí. Với những tiềm năng sẵn có cùng sự quyết tâm, nỗ lực, ngành du lịch (DL) An Giang đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách... Song, để DL thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Bức tranh DL khởi sắc

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Lên, An Giang có nhiều điểm đến hấp dẫn, lý tưởng, như: rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… cùng phong cảnh thiên nhiên núi non, sông nước đặc sắc, nhiều chùa chiền, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Có thể nói, An Giang là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2017, An Giang đã đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 12% so năm 2016. Doanh thu từ hoạt động DL đạt 3.700 tỷ đồng, đóng góp 5% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đây là tín hiệu rất đáng khích lệ của ngành DL tỉnh nhà vào sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân.

Hoạt động DL của tỉnh đã có nhiều khởi sắc từ khi Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy ra đời (ngày 18-1-2013) về đẩy mạnh phát triển DL trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các thành phần kinh tế đã dành sự quan tâm, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng DL. Nhận thức cộng đồng đã được nâng lên trong việc thu hút, khai thác DL gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái… từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo xử lý, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh phát triển DL. Từ việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu, điểm DL đã góp phần làm thay đổi diện mạo An Giang và trở thành điểm nhấn để giới thiệu với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm qua, tỉnh đã thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đón “luồng gió mới” từ các dự án phát triển và khai thác DL tại An Giang. Cùng với đó, ngành DL An Giang phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khai thác các tour, tuyến DL sinh thái, sông nước, kết hợp DL về nguồn và tham quan thắng cảnh, các khu di tích lịch sử, văn hóa… Qua đó, giúp du khách biết rằng đến với An Giang đâu chỉ có DL tâm linh ở núi Cấm, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… mà còn có nhiều sản phẩm, khu, điểm DL thú vị khác.

Những hạn chế cần khắc phục

An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng DL An Giang vẫn chưa khai thác, phát triển tương xứng. Khách đến An Giang tăng dần qua từng năm, song số lượng khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu là khách hành hương. Điều đó cho thấy, DL của tỉnh đã và đang thiếu yếu tố hấp dẫn để giữ chân du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Lên: “Du khách đến An Giang chủ yếu là đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, tham gia các lễ hội và đi về trong ngày. Do thời gian lưu trú ít, nên mức chi tiêu của du khách không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú còn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc; dịch vụ DL chưa phong phú, chưa tạo được sản phẩm DL đặc trưng, cũng như chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí để thu hút và giữ chân du khách”.

Mặc dù hệ thống giao thông (cầu, đường) đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi đến các khu, điểm DL trong tỉnh nhưng do ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng tăng, nhất là vào các mùa cao điểm lễ hội của tỉnh. Yếu tố quan trọng không kém đó chính là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DL (đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật viên chế biến, pha chế, nhân viên phục vụ buồng, bàn) chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Công tác quản lý hoạt động DL tại các địa phương, khu, điểm DL còn yếu; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa thật sự đảm bảo; các ngành chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để thúc đẩy việc phát triển DL. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh DL chưa tích cực, chủ động trong việc phối hợp tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện DL. Công tác xúc tiến, quảng bá và cạnh tranh của ngành DL còn hạn chế. Tình trạng chèo kéo, đeo bám khách có giảm nhưng vẫn còn diễn ra tại một số khu, điểm DL.

Truyền lửa, đột phá

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại của hoạt động DL trong thời gian qua, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2018, ngành DL An Giang tập trung thực hiện các giải pháp mang tính bền vững, đồng bộ, như: tập trung liên kết, tạo sự khác biệt cho DL An Giang. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và giải quyết vấn đề khó khăn của doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực DL; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho DL. Tăng cường kết nối tour, tuyến trong và ngoài nước. Cương quyết lập lại văn minh, an ninh trật tự tại các khu, điểm DL, khắc phục tình trạng chèo kéo, mua bán không đúng giá niêm yết...

Đặc biệt, để truyền lửa cho các sở, ngành, địa phương và dần lan tỏa ra các tầng lớp Nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 đưa DL cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì một trong những yếu tố quan trọng đó là tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân về DL. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh DL An Giang an toàn, thân thiện. Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các khu DL trọng điểm của tỉnh; thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng DL tại các điểm đến trọng điểm. Trong đó, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch DL trọng điểm: 3 xã cù lao Giêng, rừng tràm Trà Sư; lập dự án quy hoạch mới lòng hồ Tân Trung (Phú Tân), búng Bình Thiên (An Phú), huyện Thoại Sơn, cù lao ông Hổ và cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên)…

Tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức và tập trung xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ DL chất lượng cao, có kỹ năng, có trình độ ngoại ngữ. Cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm DL hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm DL đặc trưng, độc đáo theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng DL của tỉnh để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, thu hút du khách. Tiếp tục nâng cao, phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến và liên kết phát triển DL, phấn đấu đưa DL An Giang trở thành trung tâm DL của vùng ĐBSCL. Trong đó, tập trung xây dựng hình ảnh đất nước và con người An Giang để xúc tiến, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Khai thác tiềm năng, các khu, điểm DL hiện có, An Giang đang hợp tác với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… kết nối tour, tuyến để khai thác, thu hút du khách đến An Giang được nhiều hơn.

THU THẢO