Ngành sản xuất, XK nhựa hiện mới chỉ tự chủ được 20-25% nhu cầu nguyên liệu. Ảnh: ST.
Xuất khẩu ngày càng tăng
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, mặt hàng XK chủ yếu của ngành nhựa là túi nhựa; tấm, phiến, màng nhựa; vải bạt; các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói; sản phẩm nhựa gia dụng và sản phẩm nhựa công nghiệp. Trong đó, sản phẩm nhựa gia dụng và sản phẩm nhựa công nghiệp được XK tới rất nhiều thị trường trên thế giới với kim ngạch ngày càng tăng.
Trong năm 2017, XK sản phẩm nhựa đã đạt 2,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016. Đặc biệt, trong năm 2017 có 7 thị trường XK nhựa đạt kim ngạch trên 100 triệu USD là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh và Campuchia. Trong đó, XK sang Nhật Bản đạt kim ngạch cao nhất với 565,4 triệu USD, chiếm 22,4% tổng XK sản phẩm nhựa. Tiếp đến là XK sang Hoa Kỳ đạt 376,57 triệu USD, tăng 13,2%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho hay: Trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, XK nhựa vẫn có không ít yếu tố thuận lợi. Việc ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các DN XK mặt hàng nhựa bao bì khi các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất rẻ, thuế suất XK sản phẩm nhựa tới Hàn Quốc, Nhật Bản và EU... được hưởng nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, nhu cầu NK sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam, nhất là nhu cầu về ống nhựa và túi nhựa. Đây cũng là thị trường truyền thống, DN có khả năng thâm nhập tốt. Đặc biệt, tại thị trường EU, sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8-30% như các nước. DN sản xuất bao bì nhựa tăng cường mở rộng thị phần XK sang thị trường EU nhờ được hưởng lợi kép về giá thành và ưu đãi mức thuế NK.
Nhập khẩu tới 80% nguyên liệu
Dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế - kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Số liệu từ Cục XNK (Bộ Công Thương) cho thấy: Ngành nhựa hiện mới chỉ chủ động được khoảng 20-25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào, còn lại phải NK.
Ông Hải phân tích rõ hơn: Điểm hạn chế lớn nhất của ngành nhựa là nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn thiếu nên đa số phải NK do ngành công nghiệp hóa dầu trong nước chưa phát triển. Trong đó, các loại nhựa PE, PP vẫn là các mặt hàng được NK nhiều nhất và giá trị tăng dần qua các năm. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ khiến DN XK khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, cạnh tranh từ sản phẩm nhựa của các nước trong khối ASEAN và sản phẩm nhựa giá rẻ từ Trung Quốc ngày càng gay gắt. Việc phát triển thị trường XK cũng gặp nhiều vấn đề trở ngại. Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có sự tham gia của Hoa Kỳ khiến các DN khi XK vào thị trường này phải chịu thuế chống bán phá giá, khó cạnh tranh được với các DN trong nước. Nhật Bản tuy là thị trường XK lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Những yêu cầu trên sẽ càng khó khăn khi không ít DN Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn, xuất phát chủ yếu từ chỗ thiếu thông tin và kinh nghiệm.
Theo một số chuyên gia, ngoài các yếu tố nêu trên, khó khăn mà ngành sản xuất, XK nhựa phải đối mặt còn là trình độ công nghệ của DN nhựa của Việt Nam còn thấp, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm XK dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa còn kém. Nhiều nước trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, EU cũng đã thông qua lệnh cấm với những sản phẩm nhựa bảo quản thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Ông Hải cho rằng, thời gian tới, nếu các nhà máy lọc hóa dầu mở rộng sản xuất đạt công suất thiết kế thì nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất hàng XK và tiêu thụ nội địa sẽ được chủ động hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nhựa của Việt Nam. Đứng từ góc độ DN sản xuất, XK, nhiều ý kiến đề xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cần có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp DN có điều kiện thuận lợi, mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào đổi mới công nghệ, tăng cường kiến thức chuyên môn cũng như cập nhật xu thế thị trường…
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính): Tính chung trong quý I-2018, NK nguyên liệu nhựa đạt 1,31 triệu tấn, trị giá hơn 2,06 tỷ USD, tăng 12,5% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam là: Hàn Quốc, Saudi Arabia, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Singaporre. Trong đó, Hàn Quốc là nhà cung cấp lớn nhất nhóm hàng này cho Việt Nam, với 227.080 tấn, trị giá 385,81 triệu USD, tăng 2,8% về khối lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, NK nguyên liệu nhựa từ thị trường Ấn Độ trong quý I-2018 tuy chỉ đạt 33.935 tấn, tương đương 42,74 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng rất mạnh, với mức tăng tương ứng 168,5% và 153,6%. Bên cạnh đó, NK còn tăng mạnh ở thị trường Nam Phi, Đức, Philippines với mức tăng lần lượt 93,4%, 89,7% và 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Theo Hải Quan