“Hành trình đỏ” kết nối dòng máu Việt

05/08/2020 - 06:22

 - Đó là mục đích ý nghĩa của chương trình “Hành trình đỏ” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố tổ chức xuyên suốt trong những năm qua. Thông qua các hoạt động như: ngày hội hiến máu, tuyên dương những người hiến máu tiêu biểu, gia đình hiến máu nhiều lần làm lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia từng giọt máu cứu người qua cơn đau bệnh.

Tại An Giang, “Hành trình đỏ” được tổ chức lần thứ 3 vào những ngày cuối tháng 7, thu hút hơn 1.000 người tham gia. Qua các hoạt động diễu hành, tuyên truyền trực tiếp của các tình nguyện viên, có hơn 800 người ở huyện Tri Tôn, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên tham gia hiến máu. Ban tổ chức đã thu được 800 đơn vị máu. Đây là lượng máu rất có ý nghĩa trong tình trạng nước ta đang khan hiếm máu chữa trị cho bệnh nhân cấp cứu và ứng phó trong tình trạng xảy ra các thảm họa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước: “Hành trình đỏ là dịp để gắn kết các tình nguyện viên vận động và người hiến máu tình nguyện, gắn kết người hiến máu và bệnh nhân nhận máu. Đồng thời là dịp rất tốt để các cơ sở tiếp nhận máu được thực hành, diễn tập các phương án về huy động lực lượng, tổ chức tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất máu với số lượng lớn, giới thiệu các mô hình hiến máu dự bị tại địa phương. Tôi đánh giá cao vai trò của các bạn thanh niên, sinh viên tích cực tham gia hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của các hoạt động văn hóa lành mạnh, nhân ái, qua đó đã khơi dậy và lan tỏa sâu sắc tình yêu thương đồng bào trong mỗi người dân Việt Nam”.

Cán bộ, công nhân viên chức tham gia hiến máu tình nguyện

Lần đầu tiên tham gia chương trình “Hành trình đỏ” với vai trò là tình nguyện viên, bạn Nguyễn Vũ Linh (quê ở xã Định Thành, Thoại Sơn) bày tỏ cảm xúc: “Đây là dịp để tôi gặp gỡ, giao lưu với nhiều tình nguyện viên ở các nơi, học hỏi cách làm thiện nguyện cũng như cách thức vận động, hướng dẫn người dân tham gia hiến máu tình nguyện. So với các hoạt động khác, hiến máu tình nguyện mang tính chất rất đặc biệt, rất đáng trân quý bởi chỉ có người tự nguyện đi hiến máu, dành thời gian và công sức đi hiến máu mới có thể có được lượng máu cứu người trong cơn nguy kịch, đau bệnh cần đến truyền máu. Được góp sức trẻ cho chương trình đầy ý nghĩa này là niềm vinh hạnh cho bản thân tôi”.

Cùng suy nghĩ như Linh, chị Trần Thị Diễm Thúy (cán bộ khách hàng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh An Giang) bộc bạch: “Thời gian qua, đơn vị chúng tôi luôn đồng hành với các chương trình hiến máu tình nguyện của tỉnh nhà. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa bởi các anh chị em đồng nghiệp có thể góp sức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội”.

Tại An Giang, hiến máu cứu người dường như không còn là phong trào mà trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân. Từ ngày 1-4-2004, lần đầu tiên tỉnh vận động hiến máu tình nguyện và thu được 3.000 đơn vị máu. Sau đó, mỗi năm đều tăng và tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh vận động gần 200.000 đơn vị máu, đáp ứng cơ bản nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện.

Có được kết quả tích cực trên, hàng năm tỉnh đều tổ chức vinh danh từ 100 - 150 tập thể, cá nhân, người hiến máu nhiều lần, gia đình có nhiều người tham gia hiến máu, người tích cực vận động người khác cùng tham gia hiến máu, xây dựng ngân hàng máu hiếm, máu dự bị. Từ đó, làm lan tỏa sâu sắc hơn việc làm đầy ý nghĩa nhân văn “Sẻ giọt máu đào, trao đời sự sống”, “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

NGỌC GIANG