“Thật may mắn, trong guồng quay hối hả của ngày nay, đâu đó vẫn tồn tại những góc xưa thân thương để ai cũng có dịp đến trầm tư, ôn lại chút cảm giác tuổi thơ” - anh Nguyễn Văn Hào (người con “xứ lụa” Tân Châu) thốt lên như vậy khi kể cho tôi nghe về quê của mình. So với ngày xưa, TX. Tân Châu hiện tại rất sôi động, phát triển khang trang, văn minh, sạch đẹp. Trong quá trình đổi thay ấy, vẫn còn những ngôi chùa trăm năm, nhà cổ, khu chợ, hay hàng quán âm thầm sống cùng thời gian. Nhiều người bắt nhịp để thay đổi kịp thời, cũng có người chọn giữ lại phong cách vốn có, xem đó là đặc điểm nhận diện riêng, kể riêng lĩnh vực ẩm thực cũng điểm danh không hết.
Có lẽ đó là lý do quán cà-phê vợt Tư Thọ (phường Long Hưng, TX. Tân Châu) tồn tại đến bây giờ. Nằm trên đường Nguyễn Trung Trực hơn 40 năm qua, nét xưa cũ hiện hữu ngay trên bảng hiệu của quán, chữ vẽ bằng màu sơn nhạt nhòa, giản dị. Khác với cà-phê pha phin đợi từng giọt đắng rơi chậm rãi, có người nghĩ cà-phê vợt sẽ không đậm vị bằng. Nhưng không! Bà Diệp Thị Kỉnh (chủ quán) tiết lộ bí quyết là ấm nước luôn giữ sôi trên bếp, cà-phê được pha qua vợt sẽ lấy “nước 1” đổ tiếp trở lại, ngâm trong vài phút để lấy vị nguyên chất, đậm đà, thơm đặc trưng. Mỗi ly cà-phê bán buổi sáng luôn luôn mới, nóng hổi, giá bình dân và đắt khách là minh chứng thuyết phục cho sức hấp dẫn qua thời gian.

Những hàng quán mang phong cách bình dân, vỉa hè vẫn được nhiều người thành thị yêu thích
Nằm một góc nhỏ trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du, quán kem Hai Liều là địa chỉ nhớ nhung của những người sinh sống ở Long Xuyên, kể cả vị khách chỉ ghé qua đôi lần thăm thành phố. Chủ quán kem là anh Đức, nối nghiệp gia đình hàng chục năm qua. Món kem vỉa hè nhưng không hề sơ sài, bình dân, lại kỳ công trong cách làm nguyên liệu, toàn bộ được chế biến tại nhà. Từng viên tươi nguyên mỗi ngày, kết hợp thêm xôi nếp cẩm, bắp mỹ, dừa dẻo, mứt dừa sấy giòn, mứt khóm, đậu phộng… tạo ra dư vị béo béo ngọt ngọt vừa phải mà không gắt. Đây chính là chỗ “ăn điểm” của món kem, dù thường xuyên thay đổi thành phần tạo ra các phiên bản khác nhau.
Anh Đức cho biết, để thuận lợi cho con học hành, gia đình quyết định chuyển về TP. Long Xuyên sinh sống. Ban đầu, anh đầu tư quán khá tiện nghi, có tầng lầu, thức uống phong phú, đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Nhưng rồi, anh nhận ra khách chỉ ưa thích món kem truyền thống của gia đình khi được thưởng thức trong không gian giản dị, thoải mái. Một lần nữa, anh chuyển mô hình trở về vỉa hè như thuở xưa. Tuy có những ngày bất tiện do thời tiết, nhưng khách cứ ghé đều đều. Ở TP. Châu Đốc, mẹ của anh Đức duy trì nghề bán kem gia truyền vỉa hè cũng hút khách không kém.
“Hồi nhỏ, Long Xuyên trong mắt tôi là đô thị xa xỉ. Tôi tạo động lực cho bản thân bằng cách tiết kiệm tiền ăn vặt hàng tuần. Khi đạt điểm cao bài kiểm tra hay kỳ thi, tôi liền tự thưởng món mình yêu thích. Đến giờ, 2 bên bờ cầu Duy Tân vẫn còn khá nhiều “quán ruột” lâu đời của tôi, trong đó có kem dừa, bánh hẹ, cơm tấm, bột chiên, bò bía…” - anh Nguyễn Tấn Đức (quê ở huyện Thoại Sơn) chia sẻ.
Có rất nhiều hàng quán lâu đời, lặng lẽ tồn tại qua nhiều thăng trầm giữa lòng đô thị hối hả, ngày nay nhờ mạng xã hội bỗng “nổi” trở lại. Dù có tên hay không tên, thực khách chỉ nhớ nằm lòng bằng cách gọi phổ biến: “Bánh canh núp hẻm”, “bánh canh hẻm 5”, “bún cá chợ đồ cũ”, “bún riêu chợ trái cây”, “cà-phê vợt cờ tướng Xẻo Trôm”, “cơm tấm chùa Ông Bắc”, “xe đậu nành trường đại học”…
Thoáng nhìn lại đã vài chục năm. Những hàng quán không chỉ giữ được lượng khách bền vững nhờ vị xưa trong từng món ăn, thức uống, mà giá thành cũng ở mức bình dân để phù hợp với loại hình, thói quen của khách hàng. Cuộc sống sẽ lại tiếp tục biến chuyển, nhưng họ - những người gắn liền với phong cách xưa cũ - đã tạo nên hình ảnh thân thuộc cho thành phố, in đậm trong ký ức của rất nhiều người.
HOÀI ANH