“Lá chắn thép” giữ gìn biên giới Tây Nam - Kỳ 3: Công an An Giang vì dân phục vụ

31/08/2021 - 08:00

 - Thời gian qua, lực lượng Công an An Giang đã làm tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, xứng đáng là “lá chắn thép” giữ gìn biên giới Tây Nam, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, động viên lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới An Giang

 Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh ký kết mô hình 2 An (An ninh trật tự và An sinh xã hội) với ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Ảnh: CTV

 Bị cáo Nguyễn Hoài Phương nhận mức án 7 năm tù, bị cáo Sa Liêm 3 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”. Ảnh: CTV

 Triệt phá đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu. Ảnh: CTV

. Phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh trật tự:

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang cho biết: “Dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều tỉnh trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Tại An Giang, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, hầu hết ca nhiễm có nguồn lây từ việc người dân đi từ các tỉnh, thành khác về lại An Giang. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã có rất nhiều những biện pháp quyết liệt như: Thiết lập hàng trăm tổ chốt kiểm soát chống dịch trong toàn tỉnh, thành lập “Đại đội truy vết” nhằm tăng cường công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch ở các điểm nóng có dịch trong toàn tỉnh. Đặc biệt, là lập đường dây nóng tiếp nhận tin báo của người dân về tố giác tội phạm và phòng chống dịch, từ đó hàng ngày tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn có giá trị giúp cho lực lượng Công an rất nhiều trong công tác phòng chống, dịch và bảo đảm an ninh trật tự, qua đó góp phần kiểm soát được dịch bệnh...”.

Cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp đã nghiêm túc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, lấy kết quả học tập và làm theo Bác là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét, phân loại thi đua hàng năm. Đã có hàng trăm mô hình, phần việc thực hiện hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ", gắn với thực hiện các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì thường xuyên.

Phát huy bài học dựa vào vai trò “tai mắt” của dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm an ninh trật tự, Giám đốc Công an tỉnh- Đại tá Đinh Văn Nơi chủ động công bố rộng rãi cho báo chí, truyền thông và người dân số điện thoại đường dây nóng của cá nhân thu nhận tin báo tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm về phòng chống COVID-19. Chỉ sau ít ngày công bố, mỗi ngày số điện thoại này đã nhận được hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn SMS, Zalo của người dân tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Đại tá Nơi cho biết: "Tôi chủ động công bố số điện thoại của mình để người dân báo tin, vì tôi biết rằng người dân luôn tin tưởng lực lượng Công an, trong đó có Giám đốc Công an tỉnh sẽ có thể xử lý và giải quyết rất nhanh những tin báo này. Nếu trường hợp vì bận công việc hay bận họp chưa thể trực tiếp trả lời ngay cuộc gọi đến của người dân, thì sau 15 giây cuộc gọi đó sẽ tự động chuyển vào đường dây trực ban Công an tỉnh và lập tức được ghi nhận, sau đó báo cáo ngay lại cho tôi xử lý. Chính vì vậy, mặc dù hàng ngày có hàng trăm tin nhắn và cuộc gọi, nhưng hầu hết đều được tôi tiếp nhận và xử lý đến nơi đến chốn".

Ngoài việc ngăn chặn nguồn lây bệnh từ các tỉnh, thành lân cận và trong cộng đồng, An Giang còn phải giữ thật chặt 100 km đường biên giáp với Campuchia, không để dịch bệnh lây lan qua lại ở trên tuyến biên giới. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” lực lượng Công an toàn tỉnh luôn ở trạng thái “chiến đấu” cao nhất, đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị địa phương tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cơ bản; từng bước khống chế không để dịch bệnh bùng phát và đồng thời còn đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự ở An Giang. Điển hình như: mô hình 2 An (An ninh trật tự và An sinh xã hội) trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn tỉnh, do Công an tỉnh An Giang ký kết phối hợp Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo thống nhất đề ra Quy chế phối hợp thực hiện theo mô hình 2 An (An ninh trật tự và An sinh xã hội) trong đồng bào theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo trên địa bàn An Giang.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo xác định: “An ninh trật tự, an sinh xã hội là 2 lĩnh vực mà Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và ngành Công an đều cùng chung trách nhiệm, thuộc về mục tiêu chung xây dựng đất nước. Do đó, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo quán triệt sâu rộng trong toàn thể đồng bào Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang về ý nghĩa, nội dung của quy chế, tích cực phối hợp với lực lượng Công an An Giang triển khai thực hiện quy chế đạt hiệu quả cao”.

 Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cũng nhấn mạnh: Quy chế phối hợp lần này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo điều kiện thắt chặt nghĩa tình "Khi dân cần, khi dân khó có Công an", giao lưu và gắn kết trách nhiệm trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và chăm lo cho người nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Để Quy chế phối hợp trong thời gian tới đi vào hoạt động có hiệu quả, Giám đốc yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của quần chúng tín đồ với việc vận động người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tín đồ phải gắn với việc thực hiện các quy ước về an ninh trật tự, từng bước tiến tới liên kết an toàn về an ninh trật tự, góp phần hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Công an tỉnh khẩn trương thành lập 11 tổ công tác trực tiếp xuống các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ, theo dõi, chỉ đạo Công an địa phương thực hiện các mặt công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thành lập Đại đội truy vết Công an tỉnh gồm 94 cán bộ, chiến sĩ và 11 Trung đội truy vết cấp huyện để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại các địa phương khi phát hiện các trường hợp dương tính với COVID-19. Thành lập Sở Chỉ huy tiền phương của Công an tỉnh và bộ phận tác chiến điện tử để kịp thời nắm thông tin về các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, trước tình trạng nhập cảnh, xuất cảnh trái phép từ biên giới Campuchia về Việt Nam còn diễn biến phức tạp, nhất là số lao động phía Bắc đến địa bàn An Giang tìm cách sang Campuchia, Công an An Giang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả, kiên quyết trong đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Công an tỉnh điều tra truy tố, để đưa ra xét xử triệt phá các đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, đã xử lý nghiêm minh những đối tượng chỉ vì hám lợi trước mắt đã tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, vừa vi phạm pháp luật vừa gieo rắc nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tính từ ngày 1-5-2020 đến ngày 15-2-2021, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện 74 vụ/371 đối tượng liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đã khởi tố 28 vụ, 38 bị can về các hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Trong đó, nhận bàn giao và thụ lý 6 vụ “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” và 1 vụ “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh” do lực lượng Biên phòng khởi tố vụ án chuyển qua. Chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh 9 vụ, 12 bị can và đã đưa ra xét xử 5 vụ/6 bị can. Xử phạt vi phạm hành chính 88 đối tượng với tổng số tiền trên 221 triệu đồng. Điển hình, phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm ngày 14-9-2020, Tòa án nhân dân huyện An Phú đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoài Phương 7 năm tù, bị cáo Sa Liêm 3 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”. Phương đã tổ chức 7 lần đưa 10 người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Sa Liêm đưa khách cho Phương 4 lần, 4 người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

Trong đấu tranh với tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, tổ chức và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật… Đồng thời, phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh chống xuất, nhập cảnh trái phép; vận động nhân dân không tham gia tiếp tay đưa đón người vượt biên trái phép, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 8-2021, Công an tỉnh phát hiện 66 vụ/208 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, trong đó có 7 vụ/59 đối tượng người nước ngoài. Đặc biệt, Công an An Giang đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý tình huống người Campuchia gốc Việt di cư tự do về Việt Nam trên tuyến biên giới và đường thủy nội địa. Bố trí hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng biên phòng, quân sự… thành lập 211 tổ, chốt phòng, chống dịch và kiểm soát khép kín toàn tuyến biên giới”.

Nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, răn đe phòng ngừa như vụ "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" liên quan 4 bị cáo: Nguyễn Văn Út, sinh năm 1987; Phan Tấn Lợi, sinh năm 1988, cùng trú tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kim Huy, sinh năm 1967, trú tại phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và Nguyễn Như Nhỏ, sinh năm 1960, trú tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. 4 đối tượng này cùng nhau tổ chức cho nhóm 8 người Trung Quốc (nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc, đã lưu trú tại khách sạn Anh Đào, địa chỉ số 1370, khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên) xuất cảnh trái phép sang Campuchia để hưởng lợi. Trong quá trình điều tra xác định: Út cùng các đồng phạm đã 3 lần đưa 47 người Trung Quốc từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh đến khách sạn Anh Đào nghỉ, rồi đưa xuống khu vực biên giới của tỉnh Kiên Giang để xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Đào trả công cho Út 5 triệu đồng/người. Ngày 8-6-2021, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Út 9 năm tù; Nguyễn Thị Kim Huy và Nguyễn Như Nhỏ mỗi bị cáo 7 năm tù và Phan Tấn Lợi 5 năm tù cùng về tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép". Ngoài ra, phạt bị cáo Út số tiền 15 triệu đồng, bị cáo Huy, Nhỏ mỗi bị cáo 10 triệu đồng. Đồng thời buộc giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Chỉ trong 20 ngày (từ ngày 7 đến 27-7-2021) Công an An Giang đã liên tiếp khởi tố 4 vụ án hình sự về hành vi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến các đối tượng Nguyễn Văn Móm (Mến) và Nguyễn Ngọc Sơn (Tý) ở TP. Long Xuyên, đối tượng Nguyễn Trung Quân ở huyện Châu Phú và đối tượng Lý Văn Tâm ở TX. Tân Châu.

Nhiều tài xế xe tải cố tình làm lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương cũng bị truy tố, đưa ra xét xử. Như: khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” phát hiện ngày 22-7-2021, tại Bệnh viện Mắt-Tai mũi họng-Răng hàm mặt An Giang, liên quan Nguyễn Ngọc Sơn (tự Tý, sinh năm 1983, ngụ khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên).

. “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các đường dây, đối tượng buôn lậu

An Giang là “vùng nóng” của hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam. Bởi An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia hơn 100km, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, địa hình phức tạp với nhiều đường mòn, lối mở, đường sông, kênh rạch… thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động. Các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sẵn sàng đối phó, chống trả lực lượng lực chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Từ tháng 9-2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới thuộc địa bàn các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc, phân công rõ trách nhiệm từng lực lượng hỗ trợ lẫn nhau chống buôn lậu, gian lận thương mại. Công an tỉnh An Giang, chủ công là lực lượng Cảnh sát kinh tế làm nòng cốt xây dựng các phương án, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan… Các tổ công tác đã đề xuất nhiều biện pháp đấu tranh có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 1.026 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, liên quan 466 đối tượng, tăng 26,66% số vụ so cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá hàng hóa trên 20,2 tỷ đồng. Đã khởi tố 25 vụ với 20 bị can, xử lý hành chính 886 vụ, ra quyết định tịch thu 309 vụ không xác định chủ sở hữu…

Công an An Giang đã chủ động xác lập các chuyên án “đánh trúng, đánh đúng”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các đường dây, các đối tượng buôn lậu. Điển hình là chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu, cùng hàng chục đàn em thực hiện. Kế đến là vụ phát hiện, triệt phá 3 điểm tập kết hàng lậu “khủng” trên địa bàn phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc).

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: Đảng ủy-Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu và chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Phải có quyết tâm khắc phục những hạn chế của cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của các lực lượng không để dẫn đến buông lỏng quản lý.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, người dân vùng biên bị các đối tượng đầu nậu buôn lậu lợi dụng triệt để, thậm chí làm “lá chắn” nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật thay cho những hành vi phạm tội của các đối tượng. “Để làm tốt công tác dân vận vùng biên giới không phải là chuyện dễ dàng, không thể làm trong thời gian ngắn. Phải xuống gần dân, sát dân, làm cho dân tin, nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xử lý nguồn tin báo tố giác tội phạm. Cần xây dựng được thế trận an ninh nhân dân vùng biên giới thật vững chắc, để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống tội phạm buôn lậu”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích