Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng An Giang chắc tay súng canh giữ biên cương. Ảnh: CTV
Cán bộ, chiến sĩ tuần tra kết hợp tuyên truyền, vận động người dân người dân khu vực biên giới phòng, chống dịch. Ảnh: CTV
Thăm động viên lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu thắp nén hương chia buồn cùng Đại úy Diệp Sơn Đông
. “Khi nào chưa đẩy lùi được dịch bệnh, tôi chưa về”
Công an tỉnh An Giang đã chủ động chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng đưa quân lên tuyến biên giới và tổ chức nhiều đợt hoán đổi quân, tăng cường thêm lực lượng hơn 400 quân hỗ trợ các chốt phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hoặc có hành vi tiếp tay, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép. Vận động nhân dân cùng tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên các tuyến biên giới.
“Khi nào chưa đẩy lùi được dịch bệnh, tôi chưa về”. Đó là lời chia sẻ của hàng trăm chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân tỉnh An Giang khi tình nguyện lên “tuyến đầu” biên giới, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng siết chặt biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, với quyết tâm giữ vững an ninh, an toàn trên tuyến biên giới, vì sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang cho biết: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến khó lường, phức tạp trên thế giới và các nước Đông Nam Á. An Giang với đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, tình trạng nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho việc hoán đổi quân, tăng cường thêm lực lượng cho “tuyến đầu” phòng, chống dịch bệnh trên toàn tuyến biên giới. Công an tỉnh An Giang đã tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lên tuyến đầu biên giới và xung phong tình nguyện cùng các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Là một trong hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương xung phong tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, Trung tá Nguyễn Hương Giang, cán bộ Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc-Công an An Giang chia sẻ quyết tâm: “Được sự đồng ý của lãnh đạo phòng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các đồng đội trong đơn vị, tôi mạnh dạn viết đơn tình nguyện gửi đến Ban Giám đốc Công an tỉnh xin được tham gia phòng, chống dịch bệnh trên “tuyến đầu”, với quyết tâm thực hiện nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, đoàn kết chặt chẽ cùng các lực lượng trên tuyến biên giới, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi nào chưa đẩy lùi được dịch bệnh, tôi chưa về”.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang cho biết: đợt chống dịch lần này có trên 100 cán bộ, chiến sĩ sau khi kết thúc đợt phòng, chống dịch bệnh của mình đã tình nguyện ở lại, tạo “lũy thép” sát cánh cùng đồng đội ngày đêm tuần tra, canh gác, góp sức cùng toàn lực lượng kiểm soát tốt nhất tình hình an ninh, an toàn trên tuyến biên giới, đẩy lùi tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.
Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, từng cán bộ chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng đương đầu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ mọi được giao.
Trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền An Giang đã xây dựng mỗi người dân là một cột mốc biên cương góp phần bảo vệ an ninh biên giới. Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: “Những ngày này, biên giới An Giang thực sự bước vào “cuộc chiến không giới tuyến” với “kẻ địch vô hình” là “giặc dịch COVID-19”. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang đã xây dựng kế hoạch với phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức lực lượng, tạo ra những “vành đai sống”, vững vàng dựng thành “lũy thép” ngăn ngừa “mầm bệnh” thẩm lậu qua đường biên giới”; giữ vững an ninh trật tự biên giới, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm nhập trái phép, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ngay từ cửa ngõ biên giới”.
Có thể nói, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ, thuộc lực lượng vũ trang đã căng mình cùng các lực lượng chức năng trên tuyến đầu biên giới tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Để siết chặt tuyến biên giới, không để sót lọt trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, từng cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, chốt đã thay phiên nhau tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tuyến đường bộ và tuyến đường sông; tổ chức chốt chặn 24/24h, bất kể thời gian, bất chấp thời tiết nắng mưa, cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, chốt không lơ là công tác phòng, chống dịch. Thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép", các Đồn Biên phòng còn lắp đặt 76 hộp thư tố giác xuất, nhập cảnh trái phép; thiết lập 22 đường dây nóng tố giác các loại tội phạm và xuất, nhập cảnh trái phép; cấp phát miễn phí hàng chục ngàn khẩu trang y tế, chai nước rửa tay; bàn giao hơn 2.500 người cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương cách ly tập trung; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép 976 vụ/1.932 đối tượng; tiếp nhận 26 tin tố giác xuất, nhập cảnh trái phép...
Để tạo thành “lá chắn” thép vững chắc trong tất cả các mặt trận phòng, chống dịch, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, y tế địa phương, các lực lượng đứng chân ở khu vực biên giới đi đầu trên mặt trận chống dịch COVID-19.
Được lệnh tăng cường lên cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, lần đầu tiên Sư đoàn 330 (Quân khu 9) cử cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cối 100-Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đi biên giới chống dịch. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cối 100 tham gia cùng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới với tâm thế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để luôn xứng đáng là người chiến sĩ của Sư đoàn 330 anh hùng. Theo như chia sẻ của Trung úy Danh Ngọc Tiến-Trung đội trưởng, Trung đội Chỉ huy, Tiểu đoàn Cối 100: “Xác định đây không chỉ là hành động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “Tuổi trẻ Sư đoàn xung kích, tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm của người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” trên tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy truyền thống anh hùng của Sư đoàn, quyết không chùn bước, nỗ lực cùng các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tuyến biên giới và xuất, nhập cảnh trái phép”.
. Hy sinh tình riêng hoàn thành nhiệm vụ
Và trong trận chiến phòng, chống “giặc dịch COVID-19” đầy khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới An Giang đã có không ít mất mát, đau thương, kể cả hy sinh tình riêng để toàn lực cùng đồng đội chống dịch. Có những đồng chí hoãn cưới đến 2 lần, càng xót xa khi "tứ thân phụ mẫu" qua đời, nén nỗi đau chỉ lập bàn thờ vọng trên chốt chống dịch, thắp hương thể hiện lòng thương tiếc, rồi tiếp tục vững bước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Những sự hy sinh không gì đong đếm nổi của cán bộ, chiến sĩ đã biến thành động lực, tô đắp thêm thành trì "lũy thép" phòng, chống dịch nơi biên giới.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Diệp Sơn Đông (sinh năm 1981, cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tăng cường chống dịch tại Đồn Biên phòng Phú Hữu, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) chia sẻ: “Người nhà báo tin cha qua đời vì bệnh nặng tại quê nhà khu phố Mỹ Lệ Đông, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhà chỉ có 2 anh em trai, em đang làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh cũng không thể về chịu tang cha được. Tôi là con trai trưởng trong gia đình, nhận được tin cha mất trong lòng muốn được về nhìn cha lần cuối, nhưng dịch bệnh đang phức tạp, nhiệm vụ chống dịch đang trong lúc cao điểm nên tôi đành nén nỗi đau để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chống dịch”. Bàn thờ vọng được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Hữu lập đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng chí. Hình ảnh ấy đã nói lên sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn của những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. “Trong đợt dịch bùng phát lần này riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang có 3 cán bộ người thân trong gia đình mất cũng không thể về chịu tang được, ở lại đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19”- đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết.
Rất nhiều cán bộ chiến sĩ 1-2 năm ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, không một lần về thăm nhà, thăm quê. Nỗi nhớ vợ, con, gia đình được chia sẻ qua màn hình điện thoại sóng chập chờn. Từng cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đều có chung tư tưởng: đây là nhiệm vụ thiêng liêng của những người lính, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh.
Là một trong 5 địa phương tuyến biên giới, Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái cho biết: “Thị xã Tân Châu có đường biên giới dài 6,2km, bao gồm cả đường bộ và đường thủy, thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Xương và Phú Lộc, tiếp giáp với huyện Lekdek, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia). Thời gian qua, chính nhờ các ngành, đoàn thể các cấp, chính quyền địa phương, đặc biệt là 2 xã biên giới đã phát động phong trào “toàn dân phòng chống dịch”, nên người dân đều ý thức cao trong phòng chống dịch, kịp thời tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép và người đi từ vùng dịch về địa phương, quyết tâm không để dịch bệnh COVID-19 lây lan vào địa bàn. Phong trào “Mỗi người dân là một chiến sĩ” đã thật sự đi vào lòng dân vùng biên giới. Nói như ông Nguyễn Chí Tâm, nông dân xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu): “Anh em chúng tôi làm ruộng cặp ranh trên biên giới, cũng tăng cường quan sát nếu có gặp người lạ xuất hiện thì lập tức báo ngay cho lực lượng Biên phòng hoặc chính quyền địa phương biết để đến xử lý. Dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên không chỉ bảo vệ riêng bản thân mình, mà còn phải bảo vệ chung cho cộng đồng xã hội. Riêng bản thân tôi luôn chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch, bất cứ đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, không lại chỗ đông người và thường xuyên rửa tay sát khuẩn”.
Trong những ngày “dầu sôi, lửa bỏng” căng mình chống dịch, Công an An Giang, Bộ đội Biên phòng An Giang, Ban Chỉ huy quân sự các địa phương trên tuyến biên giới (Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt 2 mục tiêu “vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Cùng với hơn 50.000 hộ dân trên tuyến biên giới sẽ tạo thành những tầng lớp, thành trì “lũy thép” vững chắc bảo vệ đường biên, cột mốc và phòng, chống dịch COVID-19 thẩm lậu từ biên giới và xuất nhập cảnh trái phép.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU