“Loa phường”, “loa xã” tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh

20/04/2020 - 00:01

 - Khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, “Nhà nào ở yên nhà ấy” thì “loa phường”, “loa xã” có vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

“Loa phường”, “loa xã” tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh

Loa phường vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong thời đại công nghệ số

Cách nay chưa lâu, nhiều người bàn cãi về chuyện nên giữ hay bỏ những chiếc “loa phường”, “loa xã” với đủ thứ lý do: ô nhiễm tiếng ồn, chất lượng thông tin kém... Nhiều người cho rằng, hiện nay công nghệ số phát triển mạnh mẽ, người dân toàn sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone) để lướt web xem tin tức và ti-vi thì có nhiều lựa chọn để xem qua nhiều gói dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số…

Thậm chí, người ta có thể xem lại chương trình đã phát từ nhiều ngày trước, xem truyền hình qua smartphone… thì “loa phường”, “loa xã” không còn thiết thực nữa!? Thiết nghĩ, vấn đề quan trọng là chúng ta sử dụng như thế nào, phương thức ra sao, chứ không phải là chuyện giữ hay bỏ.

Là người ở miền quê sông nước, loa truyền thanh đã trở thành dấu ấn khó quên trong tâm thức mỗi người. Mỗi sáng vào khung giờ quen thuộc, âm thanh “tít… tít… Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam” của chương trình tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã gắn bó với biết bao thế hệ. Tiếng loa trở thành nét văn hóa đặc sắc, nhất là trong điều kiện trước đây cả huyện chỉ có được vài chiếc ti-vi, rồng rắn đi xem ti-vi như “gánh hát về làng”.

Nhờ có loa truyền thanh mà người dân được chuyển tải thông tin nhanh nhất, mà chẳng phải tốn công đi đâu xa với thời lượng vừa phải (bởi gói gọn trong khung giờ nhất định), đồng thời còn được nghe các chương trình văn nghệ, giải trí… Người dân còn được tuyên truyền về giữ vệ sinh môi trường; phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức đời sống… Đặc biệt, khi xảy ra hỏa hoạn, bão lụt, thiên tai cần cứu hộ, cứu nạn hoặc liên quan đến an ninh quốc gia thì “loa phường”, “loa xã” là cần thiết, rất quan trọng.

“Loa phường”, “loa xã” tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh

Thu âm chương trình của Đài Truyền thanh huyện An Phú 

Loa phát thanh vốn dĩ gắn bó hàng ngày với người dân sinh sống ở khu vực chợ xã biên giới Vĩnh Hội Đông (An Phú). Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, bà con nhân dân sinh sống ở khu chợ càng hiểu rõ hơn giá trị quan trọng của chương trình phát thanh hàng ngày.

“Người dân quê lo mưu sinh kiếm ăn suốt ngày, đâu có thời giờ nghe đài, coi báo. Nhờ có loa phát thanh, chúng tôi biết được tình hình thời sự hàng ngày, nhất là biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 cũng như được hướng dẫn cách thức phòng tránh. Không chỉ thế, chúng tôi còn được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, vệ sinh nơi ở, đeo khẩu trang khi ra đường và cách ly xã hội”- một tiểu thương ở chợ xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ.

Nhà báo Thanh Thúy (Trưởng đài Truyền thanh huyện An Phú, An Giang) cho biết, đều đặn vào khung giờ quen thuộc hàng ngày (sáng từ 6 giờ 20 phút - 7 giờ 10 phút, trưa từ 11 - 12 giờ, chiều từ 17 giờ 30 phút) là chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh huyện An Phú. Đặc biệt hơn 3 tháng nay, mỗi buổi đều phát thêm chuyên mục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở phần đầu chương trình. Qua đó, người dân ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Phú được cung cấp thêm những thông tin thời sự hàng ngày, nhất là thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh Covid-19, cách phòng tránh và thực hiện tốt việc cách ly xã hội, không tụ tập đông người.

“Nội dung tuyên truyền tập trung các chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, hoạt động của ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện cách ly… Đặc biệt là tuyên truyền chống lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không mua xăng dầu, thực phẩm tích trữ...” - nhà báo Thanh Thúy cho biết.

Không chỉ hữu dụng ở vùng sâu, nơi biên giới khó khăn, “loa phường” còn rất hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân ở nơi đô thị. Ở Đài Truyền thanh TP. Long Xuyên: từ 5 - 6 giờ tiếp âm Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, từ 6 giờ - 6 giờ 45 phút phát chương trình của Đài Truyền thanh TP. Long Xuyên, từ 6 giờ 45 phút - 7 giờ phát chương trình địa phương (phường, xã). Buổi trưa: 10 giờ 45 phút đến 11 giờ phát chương trình địa phương. Chiều từ 17 giờ đến 17 giờ 15 phút phát thanh chương trình địa phương, từ 17 giờ 15 phút đến 18 giờ phát chương trình của Đài Truyền thanh TP. Long Xuyên, từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam…

Trên địa bàn phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên, An Giang) hiện có 75 “loa phường” và đang thực hiện tốt việc thông tin thời sự, đặc biệt là tăng thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hàng ngày. Ngoài ra, từ ngày 1-4, phường còn bố trí xe tuyên truyền thông tin lưu động 3 lần/ngày (6 giờ sáng, 14 giờ 30 phút, 19 giờ) để tuyên truyền đến các địa bàn dân cư… Qua đó, giúp người dân (nhất là người ít có điều kiện đọc báo, xem đài) nắm thêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện cách ly xã hội...

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích