Khi nghe câu thơ “lòng Dân yêu Đảng như là yêu con”, có thể có ai đó, nhất là không ít người trẻ hiện nay, cho rằng, mình đọc nhầm hoặc nghe nhầm chăng? Sao Dân lại gọi Đảng là “con” nhỉ. Câu thơ khá bất ngờ nhưng giản dị và đáng yêu đó trong bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu.
Tố Hữu viết bài thơ này tròn sáu mươi năm trước, vào dịp toàn Đảng, toàn Dân ta kỷ niệm trọng thể ba mươi năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960). Phải rất quý mến, thân thương, tin tưởng, Dân mới yêu Đảng như yêu con mình. Đảng là của Dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.
Trong chặng đường chiến đấu, hy sinh đầy cam go, Đảng ở giữa lòng Dân, Dân chở che, nuôi nấng, sẵn sàng chết vì Đảng, coi Đảng là con đẻ của mình. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo
Từ “con” yêu thương, gần gũi, ấm áp đó còn được nhắc lại nhiều lần trong bài thơ vừa nêu “Đảng ta, con của phong trào/ Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm/ Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”...
Đó là những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ, Đảng và Dân gắn bó máu thịt, keo sơn “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu/ Mặt trời có lúc mây mù/ Trái tim ta vẫn đỏ bầu máu tươi/ Người đang sống nhớ người đã khuất/ Nhớ những anh chị mất trên đường/ Tù lao, máy chém, chiến trường/ Dẫu tan nát thịt, còn vương vấn hồn/ Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/ Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng..”.
Trong chặng đường chiến đấu, hy sinh đầy cam go đó, Đảng ở giữa lòng Dân, Dân chở che, nuôi nấng, sẵn sàng chết vì Đảng, coi Đảng như là con đẻ của mình. Và Đảng luôn tin tưởng, yêu quý, biết ơn Dân “Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta/ Ơn người như mẹ, như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con/ Nghèo rau cháo, từng lon gạo bữa/ Dành cho ta chút sữa cầm hơi/ Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống, không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình”.
Nhắc nhớ về bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu, chúng ta càng thấm thía quan điểm rất cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin khi nói về Đảng Cộng sản “Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân nhưng lợi ích của những người Cộng sản không chỉ gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân mà còn không thể tách rời lợi ích của dân tộc”...
Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:“Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam".
Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các già làng, trưởng bản, người có uy tín - những người làm cầu nối giữa Đảng với Dân (tháng 12/2018). Ảnh: Tiền Phong
Đảng là con của Dân, con của giống nòi Việt Nam. Đảng đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc, ngọn cờ búa liềm quyện cùng cờ đỏ sao vàng hiệu triệu các tầng lớp nhân dân “Đứng lên tự cứu mà giành ấm no/ Đứng lên cứu tự do, độc lập/ Đứng lên giành ruộng đất, áo cơm/ Đứng lên thân cỏ, thân rơm/ Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn”.
Dưới cờ Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết, làm nên các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 long trời lở đất “Lời Đảng gọi, một ngày sấm nổ/ Biển người dâng ngập phố ngập đồng/ Mùa thu Cách mang thành công/Mùa thu đây, hỡi cờ hồng vàng sao”.
Vẫn cờ Đảng quyện cùng cờ Nước lãnh đạo nhân dân ta “Chín năm nắng núi mưa ngàn/ Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau/ Nhớ những lúc hầm sâu địch hậu/ Nhớ những đêm theo dấu đường đây/ Giặc lùng, giặc quét, giặc vây/ Có dân, có Đảng đêm này vẫn vui/ Làng kháng chiến không lui một bước/ Nhổ sạch đồn cho nước ta yên/ Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Cờ Đảng, cờ Nước tiếp tục sát cánh bên nhau trong hơn hai mươi năm trường chinh chống Mỹ “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Ngày Đại thắng đó đã được Bác Hồ kính yêu dự báo từ 6 năm trước “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên ! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”
Từ mốc lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối, cả nước đi những bước đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là quá trình vừa làm, vừa lắng nghe, học hỏi, tìm đường, nghiên cứu lý luận, tổng kết lý luận, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi bão tố, thác ghềnh. Khi Đảng được Dân tin thì Đảng có tất cả, làm được mọi việc.
Nhưng khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp cao, phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì Dân sẽ giảm bớt niềm tin ở Đảng và chế độ. Không tự rèn luyện, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé và ích kỷ, thì những cán bộ, đảng viên “ở một bộ phận không nhỏ” vừa nêu khó mà thoát khỏi tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, tha hóa, ích kỷ…
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước dịp này là để mỗi tổ chức đảng và đảng viên ôn lại truyền thống oanh liệt của Đảng, của đất nước, thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết, quy định của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hợp tác quốc tế. Bài học của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và bản lĩnh của Đảng.
Trong giai đoạn mới, phải tăng cường vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh từ Trung ương đến tận cơ sở. Đảng phải thương xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, đảng viên: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Người nhấn mạnh: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân".
Người cũng tiên liệu và cảnh báo những nguy cơ của một đảng cầm quyền là quá trình ngày càng gia tăng của sự thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... của đội ngũ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, đó là những trở lực của sự phát triển. Vì vậy, Người yêu cầu Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, đẩy lùi mọi biểu hiện thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền.
Phải làm sao để “Lòng Dân yêu Đảng như là yêu con”. Mãi mãi yêu quý, tin tưởng, gắn bó giữa Đảng với Dân như cá với nước, như đất với cây, như mạch nguồn với sông suối, như những hạt mưa xuân với mầm cây, rễ cây đang rạo rực nẩy lộc đâm chồi./.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Theo VOV