“Mặt trái” trào lưu “chữa lành”

25/03/2024 - 06:03

 - Gõ tìm kiếm từ khóa “chữa lành”, trên Google, có hơn 40 triệu kết quả và rất nhiều video-clip trên các nền tảng mạng xã hội. Cụm từ “chữa lành” cũng gắn với rất nhiều nội dung khác, như: Con đường chữa lành, du lịch chữa lành, bộ phim chữa lành, âm nhạc chữa lành, podcast chữa lành… Nhiều luồng ý kiến khác nhau về trào lưu này, không ít người băn khoăn về những mặt trái của việc “chữa lành” hoặc một số người quá lạm dụng để bị các hành vi lừa đảo thao túng tâm lý.

“Linh phù” tác dụng hóa giải xui rủi của chị M. là một tấm hình thần tài?

Chữa lành có thật sự là… chữa lành không? Nhiều người trong cuộc từng trải qua giai đoạn “chữa lành” đã tự hỏi bản thân như thế. Cách đây 2 năm, chị M. (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cảm thấy tinh thần không được tốt, thường xuyên căng thẳng, áp lực từ công việc đến gia đình.

Tình cờ lướt Facebook, chị M. biết đến một người tự xưng là “chú Bảy” thường nói đạo lý, ứng xử cuộc sống. Hàng tuần, “chú Bảy” còn trò chuyện trực tiếp với rất nhiều fan, giải thích về phong thủy, sao chiếu mệnh, cách hóa giải… bằng việc “thỉnh linh phù” kèm theo một số việc phải làm trong đời sống hàng ngày.

Chị M. cho rằng mình đang bị tổn thương tinh thần, lại gặp năm con giáp không thuận nên kém may mắn, trục trặc… Được nghe giải thích khá hợp lý, chị quyết định đặt một “linh phù” với giá gần 500.000 đồng. “Chú Bảy khẳng định không kinh doanh, số tiền từ việc “thỉnh” linh phù là chi phí đến chùa đem về cho những người có nhu cầu và không hề ép buộc. Lúc đó chẳng hiểu sao tôi nghe răm rắp, giờ nghĩ lại thật xấu hổ” - chị M. chia sẻ.

Chưa dừng ở đó, chỉ sau 1 tuần sở hữu “linh phù”, gồm 1 tấm hình in thần tài và 1 tấm hình ngoằn nghèo chữ khó hiểu, chị M. nhận được cuộc gọi của một phụ nữ giọng miền Bắc, xưng là “cô đồng” (giấu tên). Người này thuyết phục chị M. thỉnh thêm “linh phù” khác mang ý nghĩa an lành, tránh tai ương, đồng thời căn dặn trong nửa tháng chị M. không nên đi xa, đề phòng tai nạn. Do công việc và gia đình không được hanh thông, nên mọi lời khuyên đưa ra, chị M. đều nghe theo, thậm chí hủy luôn chuyến công tác do đơn vị phân công.

Vừa nhận được gói “linh phù” thứ 2, chị M. tiếp tục có cuộc gọi từ số lạ. Lần này, chị dò tìm Zalo thì biết đó là một “cô đồng” khác, còn khá trẻ. Có lẽ số tiền bỏ ra 2 lần đã đủ để “mua” sự tỉnh ngộ, chị quyết định không giao tiếp, chặn số gọi từ các “chú”, các “cô”.

“Khi bình tĩnh lại, tôi suy nghĩ về những vấn đề của chính mình và đối diện giải quyết từng chút một. Kết quả, mọi chuyện xung quanh dần ổn thỏa, cuối năm tôi có chút niềm vui, còn những gói “linh phù” tôi vứt ở đâu cũng không nhớ” - chị M. kể lại.

Còn chị NNG (TP. Long Xuyên) sau thời gian tham gia khóa học “chữa lành” từ trực tiếp đến online, bỗng trở thành một người “không lành” trong mắt bạn bè, đồng nghiệp. Chị G. tự nhận mình là người tổn thương tâm lý nặng nề khi đổ vỡ trong hôn nhân, việc làm “giậm chân tại chỗ”, xung quanh chị là những người ích kỷ, mưu toan… không đem lại cảm giác an lành. 4 tháng trước, chị bỏ số tiền lớn lên TP. Hồ Chí Minh tham gia khóa “chữa lành” do một chuyên gia nổi tiếng trên mạng xã hội tổ chức. Chị G. cho biết, trở về chị rất thoải mái, tập trung cho những sở thích của bản thân, ngẫm nghĩ được những chuyện lớn lao…

Để tiếp tục “chữa lành”, chị vẫn đăng ký học online với chuyên gia này, mua khá nhiều sách và đóng khoản tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, chị tìm hiểu về tôn giáo, thiền, đem kiến thức “chữa lành” của mình phổ biến cho nhiều người.

Một đồng nghiệp của chị G. tâm sự: “Chị ấy thường khoe hiện nay sống vui vẻ, không suy tư, không bận tâm về ai. Nhưng sau những lời nói ấy, tôi thường xuyên nghe chị nhắc đến người khác, bao gồm gia đình, đồng nghiệp với lời lẽ bất mãn, oán hận nặng nề. Chị G. còn rủ tôi nên tham gia khóa học, mua sách đọc, vì thời đại này ai cũng cần được “chữa lành”. Tôi không có cách khuyên nhủ nên dần có khoảng cách với chị”.

Hội, nhóm “chữa lành” mang tính thần thánh hóa và lôi kéo các “con mồi” bỏ tiền dịch vụ, mua hàng

Thực tế, trong cuộc sống, ai cũng có nhu cầu được quan tâm, được thừa nhận, lắng nghe, chia sẻ. Một số bạn trẻ tìm đến “chữa lành” vì áp lực công việc, tiêu chuẩn xã hội, chênh lệch quan điểm sống với các thế hệ trước, phân vân giữa “sống cho mình” hay “sống vì xã hội”…

Có quan điểm cho rằng một số chuyện không đáng, thế mà một số người tự trầm trọng hóa. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, với những tổn thương, mất mát nhiều lĩnh vực trong đời sống… thì tổn thương là có thật và nhu cầu “chữa lành” là có thật…

Có “cầu” ắt có “cung”, dịch vụ “chữa lành” mọc lên nhan nhản dưới nhiều hình thức, nên mới có vấn nạn giăng bẫy trong các hội, nhóm, khóa “chữa lành” trên mạng xã hội, thao túng tâm lý. Ai cũng có những phút chông chênh, vì nhiều lý do đã tìm đến “chuyên gia”, “bác sĩ tâm hồn”, “bác sĩ mạng” để từ các lớp học “chữa lành” sẽ cần mua đồ “chữa lành”.

Đôi khi chúng ta quên rằng, chỉ cần nghỉ ngơi, cởi mở tâm tư với người xung quanh hay kết nối với người thân, bạn bè, những người trải nghiệm nhiều hơn để có được lời khuyên, góc nhìn mới về vấn đề đang gặp phải… cũng là cách tìm được đáp án vượt qua khó khăn. Có người chọn sống hòa nhập với cộng đồng để lan tỏa sự sẻ chia, cũng có người sống khép kín, theo đuổi đam mê đọc sách, trồng rau, nuôi thú cưng…

Đối diện với áp lực cuộc sống, mỗi người có một cách riêng để giải tỏa, trường hợp nghiêm trọng thì cần thiết tìm đến người có chuyên môn thật sự để được giúp đỡ. Đi kèm với những phương thức “chữa lành” đúng đắn, khoa học, khi nhận diện được những vấn đề của bản thân, mỗi người phải thay đổi cả hành vi, lối sống, nâng cấp năng lực cá nhân để tạo ra những chuyển biến thực tế trong khía cạnh đang gặp phải.

HOÀI ANH