“Mở cửa” cho làng Chăm Đa Phước

10/12/2024 - 07:38

 - Thật ra, làng Chăm Đa Phước (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) được xem là một trong số ít làng Chăm của tỉnh chịu khó “mở cửa” thu hút du lịch (DL). Tuy nhiên, quá trình ấy vẫn chưa thu hút du khách đông đảo, vì dường như còn thiếu điểm nhấn.

Anh Alim cùng cộng sự luôn tâm huyết phát triển làng Chăm

Sau nhiều năm du học, tạm gác công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh, anh Haji Abul Alim (sinh năm 1982) trở về quê nhà, trăn trở về những mảnh ghép còn thiếu ở làng Chăm mình. “Tôi có điều kiện đi đây đi đó, giao lưu văn hóa, tìm hiểu DL các nước Châu Á, nên muốn dùng những kỹ năng, kinh nghiệm ấy áp dụng cho cộng đồng mình. Điều tôi nhận thấy rõ nét nhất là An Giang có “nguồn vốn” vô giá về văn hóa, DL (thiên nhiên, tâm linh). Thế giới đang có xu hướng phát triển bằng chính nội lực, vậy tại sao mình không thể phát triển nội lực của chính mình?” - anh Alim bắt đầu câu chuyện.

Cách thành phố DL Châu Đốc chỉ 3km, đường sá thuận tiện, làng Chăm Đa Phước nằm dọc theo QL. 91C. Những lợi thế ấy thúc đẩy chợ quê làng Chăm Đa Phước ra đời hơn 1 năm trước. Nằm giữa làng Chăm đông đúc, khu chợ dần được mở rộng bằng nhiều hạng mục trên 40.000m2, nội dung độc đáo: Phục dựng nghi thức đưa rể của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang; văn hóa - văn nghệ truyền thống của cộng đồng… Về sau, khu chợ không chỉ là “chợ”, mà còn là không gian DL sinh thái, nghỉ dưỡng “chill chill”, với lều Glamping tiện nghi, thoải mái; câu cá, chèo thuyền, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của đồng bào DTTS Chăm (có cả ẩm thực Việt, Malaysia, Âu, Ấn, Ả rập). Ban đầu, chợ hoạt động vào cuối tuần, dần dần mở rộng ra tất cả ngày trong tuần, từ 7 đến 22 giờ. Mỗi lần ghé thăm, tôi lại bất ngờ vì những điểm mới của nơi này.

Nhưng, chợ quê làng Chăm Đa Phước chỉ là một bước đệm, một mảnh ghép nhỏ trong hành trình gắn kết cộng đồng của anh Alim nói riêng, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch làng Chăm An Giang nói chung. Anh Alim đã ấp ủ suốt 10 năm giấc mơ chắp cánh cho cộng đồng, phải làm sao vừa gìn giữ nét văn hóa dân tộc Chăm Islam An Giang, vừa phát triển kinh tế gia đình cho từng hộ trong làng. Ở nơi này, nông nghiệp vẫn đang được chú trọng, nhưng anh muốn nền nông nghiệp ấy mang đến giá trị lớn lao hơn, chứ không chỉ là nông nghiệp đơn thuần, sản xuất được gì bán nấy.

Vậy nên, với vai trò Giám đốc công ty, anh Alim lan tỏa nhiệt huyết, nhận về sự hưởng ứng gần như tuyệt đối từ cộng đồng. Nhiều hộ dân sẵn lòng trở thành một mảnh ghép, một mắc xích trong “DL làng Chăm”. Phía sau khu chợ quê, du khách sẽ “lạc” vào cánh đồng lúa, sẽ cảm nhận được đời sống mùa vụ của đồng bào: Hôm nay là ruộng ớt, hôm sau là cải, hành, bắp; bên này là dưa lưới, bên kia là giàn mướp, khoảnh đậu bắp… Làng Chăm sẽ không chỉ là điểm dừng chân thoáng qua, mà phải giữ chân du khách, khơi gợi nhu cầu tận hưởng không gian yên bình, đặc trưng của cộng đồng DTTS Chăm. Muốn vậy, sản phẩm DL phải được đa dạng hóa, có chiều sâu.

Chợ quê làng Chăm Đa Phước đang được hoàn thiện

“Công ty chúng tôi đóng vai trò cầu nối, tạo điểm đến thu hút khách, theo đúng phương châm “đại sứ DL cho cộng đồng DTTS Chăm An Giang”. Đồng thời, tạo việc làm cho 40 lao động trong làng Chăm, tương lai sẽ nâng lên gấp nhiều lần. Về sau, chính người dân trong làng Chăm mới là lực lượng trực tiếp làm DL. Chợ quê bước đầu mang lại tín hiệu đáng mừng, khi mỗi tuần có khoảng 1.000 khách đến tham quan, vui chơi. Địa phương, ngành văn hóa cũng rất quan tâm, tạo điều kiện cho công ty được hoạt động thuận lợi. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước, mong muốn được kết nối với các làng Chăm khác để mở rộng tiềm năng, lợi thế DL của cộng đồng” - anh Alim bày tỏ.

Bà Kah (63 tuổi) dành cả đời mình ở làng Chăm Đa Phước, chứng kiến sự thay đổi từng con đường, từng mái nhà, từng giai đoạn cuộc sống nơi đây. Bà gắn bó với nghề mua bán tung lò mò ở chợ quê, nên rất hào hứng khi biết lượng khách DL đang đổ về ngày càng nhiều. “Trước giờ, tôi bán chủ yếu cho người dân địa phương. Khách đến tham quan đông thì việc mua bán của tôi cũng sẽ tốt hơn. Cái gì tốt thì mình phải ủng hộ hết sức” - bà Kah bày tỏ.

“Khai thác DL trên nền tài nguyên bản địa” đang là xu hướng mạnh mẽ, được áp dụng tại ĐBSCL. Nhưng xu hướng này không phải rập khuôn, sao chép y hệt nhau. Ngược lại, chúng đòi hỏi từng nơi, từng người dân trong khu vực ấy phải tự tạo nên câu chuyện, đặc trưng riêng của mình, dựa vào tài nguyên bản địa đang có. Trở lại câu chuyện làng Chăm Đa Phước, nơi đang vươn mình, mong muốn trở thành làng Chăm kiểu mẫu về DL. Địa phương hoàn toàn có thể tạo “chân kiềng”, “tam giác DL” cùng với làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), Vĩnh Trường (huyện An Phú) - những nơi có tiềm năng, vị thế gần giống nhau. Cụm làng Chăm Long Xuyên (TP. Long Xuyên), Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), Khánh Hòa (huyện Châu Phú) cũng có thể kết nối thành tour, tuyến DL độc đáo… Nhiều nét vẽ sẽ được tô điểm trong tương lai, phác họa bức tranh tươi sáng, thú vị cho DL An Giang nói chung, DL cộng đồng các DTTS nói riêng.           

GIA KHÁNH