Lãnh đạo ngành đề xuất triển khai phương án đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ trung tuần tháng Mười Một tới.(Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp cũng như khả năng phân bổ, tiêm vaccine hiện nay cho Phú Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã thống nhất đề xuất phương án đón khách quốc tế đến Phú Quốc từ trung tuần tháng Mười Một tới.
Đây là quyết định được đưa ra trong buổi họp trực tuyến giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc diễn ra chiều qua (ngày 23/9).
“Bước đệm” Phú Quốc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt cho rằng việc thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở Phú Quốc đang thu hút quan tâm của dư luận cả nước. Đặc biệt khi mấy ngày gần đây, việc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 ở Phú Quốc làm dấy lên nhiều lo ngại. Vì thế, thời điểm mở cửa và chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại an toàn, hiệu quả cần phải tính toán, cân nhắc kỹ, không chỉ là đón khách quốc tế mà cả đón khách nội địa thời gian tới.
Tính đến trưa ngày 23/9, Phú Quốc đã có 62 ca F0. Hiện tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành phố Phú Quốc khoanh vùng, phong tỏa khu vực nguy cơ, truy vết F1, bảo vệ vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ; xét nghiệm sàng lọc xong trong tuần này.
'Thế giới hoang dã' trên đảo ngọc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lãnh đạo địa phương đánh giá tình hình dịch bệnh không quá lo ngại vì đã xác định được khu vực, nguồn lây nhiễm và cơ bản được kiểm soát. Vấn đề hiện nay là chưa có vaccine để tiêm cho người dân. Phú Quốc mới tiêm được vaccine mũi 1 cho công dân (từ 18 tuổi trở lên) được gần 37.000 liều, đạt 35% và mũi 2 gần 8.000 liều, đạt hơn 6% dân số. Mặc dù Bộ Y tế đã đồng ý phân bổ cho Phú Quốc 300.000 liều nhưng đến nay vaccine vẫn chưa về tới Phú Quốc vì còn chờ kiểm định.
Căn cứ vào tình hình tiêm vaccine hiện nay ở Phú Quốc và những diễn biến mới của dịch bệnh, lãnh đạo ngành thống nhất thời gian thử nghiệm thí điểm đón khách quốc tế đến từ trung tuần tháng Mười Một và chính thức thí điểm từ cuối tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, vì đây là thời điểm khách quốc tế đi du lịch đông.
Việc thí điểm đón khách đến đảo ngọc sẽ quyết định hướng đi cho giai đoạn phục hồi tiếp theo của Du lịch Việt Nam. Các địa phương trên cả nước đang rất quan tâm đến kế hoạch này, bởi việc chuẩn bị cho Phú Quốc thực ra là bước đệm cho các địa phương khác trên cả nước triển khai đón khách trở lại trong tương lai.
Do đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Phú Quốc và Kiên Giang chủ động hơn với những tình huống phát sinh và có phương án xử lý cụ thể để đảm bảo việc mở cửa trở lại an toàn, hiệu quả. Dịch bệnh liên tục có diễn biến mới, chưa biết bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào nên cần chuẩn bị giải pháp chung sống với dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng cho hay việc phát hiện các trường hợp F0 ngay trước thời điểm Phú Quốc “mở cửa” đón khách quốc tế là bài học kinh nghiệm để Phú Quốc truy vết F0, F1; đưa ra kịch bản tốt nhất trong tình huống bùng phát dịch bệnh.
Một góc bình yên Phú Quốc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Thành phố vẫn đang chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại với sự đồng thuận cao của người dân và các cơ quan ban, ngành. Hiện nay, cần nhất là nhận được vaccine sớm để triển khai tiêm cho người dân, người lao động, đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng,” ông Hưng nhấn mạnh.
Cần tiêu chí cụ thể hơn
Về việc xác định thị trường khách, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng nên tập trung vào đối tượng khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc… Bên cạnh đó, cần quy định rõ khách có bắt buộc phải mua bảo hiểm không, trong trường hợp khách là F0 thì kinh phí điều trị thế nào…? Tiêu chí và quy trình đón khách mặc dù đã chi tiết nhưng vẫn phải cụ thể, rõ ràng hơn và thông báo rộng rãi tới doanh nghiệp, du khách; kế hoạch truyền thông cũng cần xây dựng và triển khai toàn diện.
Đặc biệt, phải làm việc với các công ty lữ hành, kết nối với các TA (đơn vị gửi khách) và TO (đơn vị điều hành tại điểm đến), yêu cầu có hồ sơ đăng ký tham gia, trong đó cam kết việc có khách đến.
Thực tế, tỉnh Kiên Giang đã bám sát kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiếp tục cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó tập trung vào 7 nhóm việc chủ yếu: Lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ phục vụ khách du lịch quốc tế; Xây dựng quy trình đón, phục vụ khách; Công bố thông tin đến các thị trường khách mục tiêu; Phương án xử lý sự cố y tế phát sinh; Tổ chức tập huấn các biện pháp an toàn phòng, chống dịch; Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Lãnh đạo ngành nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong ngành du lịch sẽ khởi động từ Phú Quốc, Kiên Giang và mở rộng ra các địa phương khác của Việt Nam. Do đó, kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc có vai trò rất quan trọng.
Về mô hình đón khách khép kín, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định tỉnh Kiên Giang cần quan tâm xây dựng kế hoạch, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan nhằm bảo đảm thực hiện 4 yếu tố quan trọng: Tiêm đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng; chứng nhận tiêm chủng vaccine; quy trình y tế phòng chống dịch; năng lực chăm sóc sức khỏe, xử lý sự cố y tế.
Trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa thể kiểm soát, “mở cửa” lại thị trường quốc tế bắt đầu từ Phú Quốc sẽ là bộn bề công việc. Song, lãnh đạo ngành cũng như địa phương đều đang khẳng định quyết tâm bằng nỗ lực xây dựng “kế hoạch động” theo sát tình hình dịch bệnh, để có một khởi đầu thuận lợi cho du lịch Việt sớm phục hồi.
Theo M.MAI (Vietnamplus)