“Sắc Xuân” trên quê hương Châu Phú

11/02/2024 - 07:13

 - Xuân Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) phấn khởi trước sự khởi sắc của bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Những kết quả đạt được là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, góp sức của các tầng lớp nhân dân huyện Châu Phú.

Cơ bản hoàn thành 11 chỉ tiêu

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra, huyện Châu Phú đã cơ bản hoàn thành 11 chỉ tiêu phát triển chủ yếu.

Huyện Châu Phú chú trọng công tác chăm lo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa

Trong đó, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 7,58% (8.951/8.320 tỷ đồng); khu vực công nghiệp tăng 21,63% (2.165/1.780 tỷ đồng); khu vực xây dựng tăng 13,96% (1.045/917 tỷ đồng) so đầu nhiệm kỳ. Kinh tế toàn huyện có bước phát triển; tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện khẩn trương, từng bước hình thành các vùng sản xuất theo các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện.

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Sau hơn 2 năm thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp, toàn huyện Châu Phú đã hình thành được 10 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh; trồng nhãn xuồng Khánh Hòa; sản xuất nhãn Mỹ Đức; sản xuất rau màu tập trung ở các xã: Bình Thủy, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây; xây dựng trang trại nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ mới xã Mỹ Phú; sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn Global GAP xã Mỹ Phú, 2 vùng nuôi thủy sản của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú và Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi xã Mỹ Phú.

Huyện tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 9 công trình thủy lợi theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện 13 mô hình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm gạo, thủy sản và cây ăn trái, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân/ha diện tích đất canh tác nông nghiệp năm 2023 ước đạt 215,6 triệu đồng/ha.

Hoàn thiện hệ thống giao thông

Thực hiện mục tiêu cải tạo, đồng bộ hệ thống cầu, đường trên địa bàn huyện để nâng cao năng lực vận tải, kết nối giao thông nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Châu Phú đã đầu tư nâng cấp, mở rộng 11 công trình cầu, đường giao thông (trong đó có 2 công trình mang tính đột phá và 9 công trình nâng cấp, mở rộng), với chiều dài 80,42km, tổng kinh phí thực hiện trên 177 tỷ đồng. Ngoài ra, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” toàn huyện đã xây dựng mới 33 cây cầu, 16 cống và đầu tư nâng cấp, mở rộng trên 100km mặt đường các loại, tổng kinh phí thực hiện trên 241 tỷ đồng.

Đô thị huyện Châu Phú ngày càng khang trang, hệ thống giao thông phát triển tạo liên kết vùng

Phát triển đô thị theo hướng hiện đại

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đặc biệt chú trọng và đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, như: Xã Vĩnh Thạnh Trung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận là thị trấn kể từ ngày 1/2/2021 tại Nghị quyết 1107/NQ-UBTVQH14; thị trấn Cái Dầu mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV tại Quyết định 354/QĐ-BXD, ngày 29/4/2022. Huyện Châu Phú chú trọng đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật ở một số khu dân cư hiện hữu trên địa bàn, kết hợp kêu gọi đầu tư 7 dự án khu đô thị mới ở các xã: Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Bình Long, Mỹ Phú và thị trấn Cái Dầu.

Đặc biệt, đã thực hiện sửa chữa, cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng và đèn hoa trang trí tại một số tuyến đường trên địa bàn huyện, kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng; thực hiện ngầm hóa hệ thống mạng viễn thông trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, kinh phí trên 14 tỷ đồng. Song song đó, đã đầu tư xây dựng hệ thống công viên cây xanh trên 34 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang, từng bước xây dựng đô thị xanh, sạch, văn minh

Phát triển xã hội bền vững

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Phú giảm dần từng năm. Tính riêng năm 2023, toàn huyện đã giảm 287 hộ nghèo và 573 hộ cận nghèo (đạt 100% kế hoạch); hiện còn 1.240 hộ nghèo (chiếm 2,17% tổng số hộ dân trên địa bàn) và 2.009 hộ cận nghèo (chiếm 3,51% tổng số hộ dân).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, địa phương đã giải quyết việc làm cho 11.038 lao động (đạt 55,19% so kế hoạch đề ra). Đồng thời, tổ chức 49 lớp đào tạo nghề, với 1.481 học viên tham gia, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của huyện lên 55,39% (đạt 92,3% so nghị quyết), tăng 6,1% so đầu nhiệm kỳ.

Chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2024

Năm 2024, huyện Châu Phú tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đưa kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại - dịch vụ và thúc đẩy liên kết vùng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Theo đó, địa phương đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, như: Sản lượng lương thực đạt 526.162 tấn; giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 216 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng; giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo (áp dụng theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%; giải quyết việc làm cho 4.400 người…

MỸ LINH