“Thanh lọc” nội dung trên mạng xã hội

14/04/2023 - 06:46

 - Mạng xã hội nói chung đang mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng: Kết nối rộng khắp, thúc đẩy sáng tạo, đẩy mạnh thương mại điện tử... Tuy nhiên, đi kèm những hiệu ứng tích cực, các nền tảng mạng xã hội còn xuất hiện nhiệu nội dung “độc hại”, phản cảm… “Rác” nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok trong thời gian gần đây đã tác động đến lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận người sử dụng.

“Có quá nhiều nội dung tôi không thấy thiện cảm trên TikTok. Chẳng hạn nhiều người lấy hoàn cảnh cá nhân, như: Gia đình rạn nứt, bạo lực gia đình, cha hoặc mẹ rơi vào tệ nạn để quay clip, kể lể mỗi ngày nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Người ta nói “tốt khoe, xấu che”, song vẫn có người không ngần ngại chia sẻ hoàn cảnh “lấy nhầm chồng” khi tự quay tình trạng mới vừa bị đánh đập, mắt mũi sưng vù, chảy máu, đồ đạc trong nhà đổ nát… Họ dùng những câu chuyện không hay để “kiếm view” và lôi kéo sự đồng cảm, lan truyền tư tưởng xấu… Theo tôi, đó là định nghĩa của content (nội dung) bẩn” - anh Nguyễn Vĩnh Nguyên (TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Chị T.N. (quản trị một Fanpage bán mỹ phẩm) bày tỏ: “Gần đây rộ lên xu hướng xem bói online, có rất nhiều người tin, thậm chí bị nghiện. Về bản chất, bói toán là hình thức mê tín. Dù miễn phí hay phải trả phí trên mạng xã hội thì những lời “trả bài” đều chi phối đến tâm lý và chất lượng cuộc sống thực tế của người xem. Nhiều người bị thu hút bởi các clip ngắn vô tình gặp với caption (đoạn thuyết minh) “không hagtag”, “thông điệp này tự tìm đến bạn”, “tín hiệu từ vũ trụ”…, nhưng lại quên rằng các clip phổ biến có lượt xem nhiều đều dựa trên thuật toán riêng của TikTok và sẽ tiếp tục gợi ý xuất hiện đến người khác”.

Cần kiểm soát để từ nơi sản xuất đến nơi tiếp nhận, các sản phẩm trên mạng xã hội không tác động tiêu cực đến người sử dụng

Bên cạnh những tác động trực tiếp từ nội dung, mạng xã hội còn ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của cộng đồng trên không gian ảo. Đơn cử với sự việc một cô gái lên mạng dạy kiếm tiền từ ứng dụng “Tinder” và tất cả app hẹn hò, gây phẫn nộ vì hướng dẫn cách không làm mà vẫn có tiền. Trước một nội dung xấu, mỗi người sẽ có cách phản ứng riêng, việc bình luận hay phản bác là cần thiết. Tuy nhiên, cần tìm hiểu sâu sát và đầy đủ trước khi đưa ra ý kiến và tranh luận một cách văn minh. Đáng nói là nội dung này đã có từ 3 tháng trước, nhưng đến nay mới được mổ xẻ, tích cực tìm kiếm từ cư dân mạng bởi các từ khóa “hot”.

Bỏ qua những bàn luận trái chiều về nhân vật, vì lẽ dĩ nhiên, cái xấu, lối sống lệch lạc không được cổ vũ. Tuy nhiên, ngẫm lại hành động của số đông liệu có đang hành xử đúng? Nếu không kiểm soát, một bộ phận người sa đà lại trở thành những người bắt nạt trên mạng. Thay vào đó, nhiều người chọn cách im lặng, thờ ơ, vì dù ủng hộ hay phản bác thì sự tương tác sẽ góp phần giúp các video không lành mạnh có thêm nhiều lượt xem và vô tình đẩy nhân vật trở nên nổi tiếng.

Sự tiện lợi, giải trí của mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng đem đến cho người sử dụng những lợi ích rõ rệt. Nếu trước đây, nhiều người thích xem YouTube, Facebook vì sự phong phú về nội dung, hình ảnh, thì TikTok hiện nay đã “qua mặt” bởi những clip ngắn dưới 1 phút, thậm chí chỉ vài giây nhưng có sự tương tác rất lớn. Xu hướng này đã đáp ứng được nhu cầu lướt nhanh, nắm bắt nhiều chuyện và gây nghiện trong một bộ phận người sử dụng. Những người dễ dàng nổi tiếng từ các clip cũng đồng thời xem bản thân là ngôi sao, có quyền sát phạt, buông lời phê bình, chê trách các sự việc, hiện tượng khác trên cùng nền tảng.

Không thể phủ nhận mạng xã hội đang có một sức hút chi phối rất lớn với hầu hết cộng đồng trong xã hội hiện đại. Dựa vào mạng xã hội, nhất là Facebook, TikTok, nhiều cá nhân đã góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của xã hội, hình ảnh của quê hương, văn hóa, con người, ẩm thực, du lịch… Xu hướng từ một số bạn trẻ còn ảnh hưởng đến quan niệm về lối sống của một bộ phận người tiếp nhận. Chẳng hạn lối sống chọn hạnh phúc, sáng tạo, sống xanh, chăm sóc đời sống tinh thần…

Đặc biệt, với giới trẻ, những người đi làm, mạng xã hội vừa là nền tảng giải trí, vừa là nơi học tập, trau dồi nhiều kiến thức bổ ích. Nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều hoàn cảnh đau bệnh, tai nạn, khó khăn được giúp đỡ, ủng hộ vật chất, tinh thần mạnh mẽ và nhanh chóng hơn cả một đợt kêu gọi trên các phương tiện truyền thông khác.

Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội đem lại những tác hại không hề nhỏ. Các trào lưu chỉ cần xuất hiện 1-2 ngày, lập tức trở thành “trend” để các bạn trẻ nhanh chóng bắt nhịp. Có những nội dung clip vui, hài hước, được lan tỏa để giải trí. Song cũng có những clip không được lành mạnh, chế biến thêm thắt… thành nội dung thảm họa, xấu xí về thuần phong mỹ tục.

Theo thống kê, số người dùng TikTok ở Việt Nam xếp thứ 6 trong “Top 10” quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới (gần 50 triệu người sử dụng), dù mạng xã hội này mới “bùng nổ” tại Việt Nam khoảng 3 năm nay.

TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu, độc hại với các clip kém văn hóa, dung tục, sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoạn, cổ súy hành vi phạm tội… Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 sai phạm của TikTok và thông báo thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam. Việc thanh tra tập trung vào cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo..., nhằm hạn chế những nội dung xấu, có hại.

Trong đó có việc đánh giá về tác động, ảnh hưởng đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Thông tin trên được nhiều người ủng hộ, vì phần lớn cho rằng TikTok còn quá nhiều nội dung kém lành mạnh chưa được kiểm soát. Trong thời buổi, với một chiếc điện thoại, ai cũng có thể là “nhà sản xuất” và sự lan truyền từ các clip không biên giới, người sử dụng có quyền đòi hỏi những nền tảng an toàn, lành mạnh và phù hợp văn hóa.

MỸ HẠNH