Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Trần Thị Kim Bình cho biết: “Theo số liệu thống kê năm 2017, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 50,1% tổng số lao động toàn huyện. Do đó, để hỗ trợ phụ nữ (PN) khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế (KT), Hội LHPN huyện Châu Phú đã tích cực khảo sát nhu cầu thực tế của hội viên, PN ở địa phương có mong muốn khởi nghiệp. Từ đó, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để vận động, giúp đỡ các chị, em phát triển những mô hình KT phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế tại địa phương”.
Trong số các hoạt động hỗ trợ hội viên PN phát triển KT, hoạt động trao vốn được đánh giá là nổi bật nhất. Nhờ tích cực khai thác, quản lý tốt các nguồn vốn hỗ trợ PN phát triển KT, hiện nay, các cấp hội trong huyện đang quản lý trên 5,6 tỷ đồng vốn huy động từ 283 tổ tiết kiệm “5.000 đồng/hội viên/tháng” và 104 tổ “hùn vốn xoay vòng”, với 4.433 hội viên tham gia. Qua đó, đã giúp 658 chị, em có điều kiện phát triển KT gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ huyện
Với phương châm giúp đỡ hội viên nghèo bằng cách cho “cần câu” để giúp các chị, em nỗ lực lao động, phấn đấu vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, Hội LHPN huyện Châu Phú đã hỗ trợ 960 chị, em học nghề may gia công, đồng thời hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ quỹ “Vì PN nghèo”, “Quỹ Châu Á”… để hội viên PN mua thiết bị, máy móc, nguyên liệu phục vụ cho việc nhận sản phẩm may gia công. Hội LHPN huyện Châu Phú đã thành lập 7 tổ may gia công, với 96 thành viên, mỗi thành viên thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Thực hiện Đề án hỗ trợ PN khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025, tháng 8 vừa qua, Hội LHPN huyện đã cho ra mắt Tổ liên kết đan võng tại xã Vĩnh Thạnh Trung, với 21 thành viên và trên 50 PN địa phương làm gia công sản phẩm.
“Chị, em làm việc tại Tổ liên kết đan võng đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm thuê, mướn hoặc các công việc nội trợ. Công việc đan võng không ràng buộc giờ giấc nên các chị, em thường tận dụng thời gian rảnh để nhận nguyên liệu về đan, tiền công tính theo sản phẩm. Nhờ đan võng lúc nhàn rỗi, mỗi tháng các chị, em có thêm thu nhập từ 1,2-2 triệu đồng/người để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”- bà Lê Thị Thanh Thủy, Tổ phó Tổ liên kết đan võng chia sẻ.
Hội viên phụ nữ xã Đào Hữu Cảnh giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp
Thực hiện kế hoạch phối hợp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương, các cấp hội LHPN huyện Châu Phú đã phối hợp các ngành có liên quan mở 35 lớp dạy nghề chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, ương con giống, kỹ thuật trồng vườn cho trên 1.120 hội viên PN.
Hội LHPN huyện còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội trao số vốn 165 triệu đồng cho 7 hộ gia đình mở rộng diện tích trồng vườn và chăn nuôi bò. Ngoài ra, các cấp hội của huyện còn giúp đỡ hội viên PN có mô hình KT hiệu quả như: sản xuất khô (Bình Mỹ), chế biến cà na và sữa sen (Vĩnh Thạnh Trung), sản xuất rượu đinh lăng (Bình Long)… tiếp cận nguồn vốn, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
“Từ các chương trình hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của hội viên PN, giúp chị, em phấn khởi, tự tin hơn trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế của PN trong gia đình và xã hội. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Châu Phú trên tinh thần giúp đỡ hội viên nghèo bằng cách cho “cần câu” để động viên chị em nỗ lực lao động. Hội sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu, ý tưởng của các hội viên PN có mong muốn khởi nghiệp để thẩm định những mô hình khả thi, phù hợp điều kiện của địa phương và hỗ trợ phát triển”- bà Trần Thị Kim Bình cho biết.
MỸ LINH