“Tôn sư trọng đạo” là yêu cầu tôn kính thầy học để có được lễ nghĩa, tri thức,… ở đời và làm người. Nhân dân ta luôn dành cho người thầy một vị trí tôn kính đặc biệt. Ai cũng được dạy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Gắn với đó là luôn đề cao sự học: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”…
Lịch sử dân tộc phát triển qua bao đời đều gắn với tên tuổi của các danh sư lỗi lạc. Tiêu biểu như thầy giáo Chu Văn An - người được đề cao là “vạn thế sư biểu”. Ông nổi tiếng chính trực, không ham thích việc quan trường. Đích thân vua Trần Minh Tông mời ông đến dạy tại Quốc Tử Giám, làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Thầy được Trần Nguyên Đán - ông ngoại danh thần Nguyễn Trãi ca ngợi rằng, nhờ có Chu Văn An mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.
Thế kỷ XVI có thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được tôn là “cây đại thụ văn hóa dân tộc”. Thầy mở trường dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử”. Sự nghiệp trồng người của thầy mang lại cho đất nước những học trò giỏi giang, hiển đạt, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… Đúng câu “Minh sư xuất cao đồ”.
Nhà giáo Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương. Ông là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ, được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”. Qua bàn tay dạy dỗ của thầy, nhiều học trò đã thành tài, được triều đình trọng dụng. Nguyễn Thiếp là danh sĩ nổi tiếng đời Hậu Lê và Tây Sơn, được tôn là “La Sơn Phu tử”. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ nhưng sống ẩn dật. Trong những năm tháng này, Phu tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt. Thầy được Quang Trung Hoàng đế vô cùng quý trọng.
Riêng vùng đất phương Nam, dù mới khai mở sau này nhưng cũng có rất nhiều danh sư. Người đầu tiên đặt nền móng cho sự học, gieo mầm tri thức cho đất Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung là cụ Võ Trường Toản - người thầy đức độ tài ba, lỗi lạc. Dù ở ẩn dạy học giữa cuộc loạn binh đao, nhưng học trò của ông hàng trăm người đều thành danh, trong đó nhiều người trở thành công thần triều Nguyễn. Vì những công lao và sức ảnh hưởng lớn mà người đời tôn kính xưng tụng thầy là “Vạn thế sư biểu”, “Gia Định Sùng đức xử sĩ”.
Khác với những nhà nho cùng thời, Võ Trường Toản không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều. Thầy chủ trương dạy theo phương pháp “nghĩa lý để giáo hóa”, tức là hiểu kỹ ý nghĩa, chứ không chỉ “tầm chương trích cú”; học nhằm nuôi dưỡng khí phách để làm việc nghĩa, cống hiến cho quê hương, đất nước. Sau này, những nho sĩ tài danh thuộc thế hệ hậu bối, như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... đều khâm phục và chịu ảnh hưởng của thầy, luôn giữ tròn khí tiết của kẻ sĩ.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tiêu diệt giặc dốt là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Vấn đề giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; đội ngũ thầy, cô giáo được chăm sóc và không ngừng lớn mạnh với nhiều đóng góp quý báu.
Bác Hồ khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Người chỉ dạy: “Giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang”. Trước lúc đi xa, Bác còn dặn dò: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”…
Hiện nay, đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đội ngũ thầy, cô giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo nên nguồn nhân lực có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang đó, người thầy phải được chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần. Riêng bản thân người thầy cũng không ngừng học tập và rèn luyện để thật sự là: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…”.
TRUNG THÀNH