“Thông mạch” điện, đường sau mưa lũ

08/08/2024 - 08:06

Những ngày qua, mưa lũ nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc gây sạt lở đất, ngập úng khiến nhiều tuyến đường bị tê liệt, nhiều cột điện gãy đổ, mất điện trên diện rộng. Ðể khắc phục hậu quả, cán bộ, công nhân của ngành giao thông vận tải, ngành điện các tỉnh đã phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, làm việc không kể ngày đêm để bảo đảm kết nối giao thông, cấp điện trở lại cho các hộ dân.

Công nhân Công ty Ðiện lực Sơn La kéo điện lên các bản bị ảnh hưởng mưa lũ của xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)

Công nhân Công ty Ðiện lực Sơn La kéo điện lên các bản bị ảnh hưởng mưa lũ của xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)

Thiệt hại nặng nề

Trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại xã biên giới Mường Pồn, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên) xảy ra đêm 24, rạng sáng 25/7 đã làm 14 người chết, mất tích và bị thương, cuốn trôi nhiều nhà cửa và gây thiệt hại nặng về giao thông. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Thanh Kiên cho biết: Trận lũ quét khiến nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 12 hư hỏng nặng nề, giao thông tê liệt, do gần 30.000 m3 đất đá tràn ngập mặt đường. Lũ cuốn phăng khoảng 50m đường tại Km170, xói sâu từ 4 đến 5m; cầu treo bản Lĩnh hỏng hoàn toàn; ngầm tràn bản Lĩnh bị cuốn trôi.

Ðoạn đường từ trung tâm xã Mường Pồn đi bản Pá Trả, đường đi bản Huổi Chan 2 bị sạt lở 32 vị trí với gần 13.000 m3 đất, đá trên núi đổ xuống nền đường. Lũ cũng cuốn trôi trạm biến áp bản Lĩnh và 9 cột trung thế 35 kV bị gãy, rạn nứt; 22 cột hạ thế; 16 hộp công-tơ và 31 công-tơ điện, 1.850 m cáp trục hạ thế 0,4 kV bị đất đá vùi lấp, khiến khoảng 1.000 hộ dân bị mất điện.

Trong tháng 7 và 5 ngày đầu tháng 8, tỉnh Sơn La hứng chịu ba đợt mưa lớn kéo dài, gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng nghiêm trọng. Thiệt hại về giao thông ước tính hơn 94 tỷ đồng, hư hỏng 19 cầu tràn, 15 cầu treo; làm sạt lở hàng trăm vị trí gây ách tắc giao thông. Lũ cũng làm gãy, đổ 36 cột điện trung thế, 244 cột hạ thế; ba trạm biến áp bị đổ, ngập nước, 338 khách hàng bị mất điện.

Bão số 2 vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 gây mưa lũ lớn, làm 138 khu vực, ngầm tràn, đường tràn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ngập sâu; gần 4 km đường giao thông bị sạt lở với khoảng 38.000 m3 đất, đá lấp kín mặt đường, gây ách tắc, tê liệt nhiều tuyến đường tại huyện Ðịnh Hóa. Mưa lũ lớn trên diện rộng cũng làm 53 cột điện trung thế và hạ thế bị gãy đổ, 85 trạm biến áp bị ảnh hưởng, khiến huyện Ðịnh Hóa bị mất điện trên diện rộng.

Tại huyện vùng cao Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), các đợt mưa lũ từ đầu năm đến nay khiến tuyến đường huyết mạch kết nối Quốc lộ 2 đến trung tâm huyện thường xuyên sạt lở. Từ tháng 5 đến nay, tuyến đường này có 480 điểm sạt lở ta-luy dương khiến hơn 21.000 m3 đất đá tràn lấp mặt đường; 15 vị trí sạt lở ta-luy âm,…

Ðường từ huyện tới 24 xã và từ xã đến các thôn đều bị sạt lở, nhiều xã như Nàng Ðôn, Thông Nguyên, Thàng Tín, Pố Lồ vẫn trong tình trạng bị cô lập. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Chòi Nhàn cho biết, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, do khối lượng đất đá lớn, nhiều tuyến bị mất hoàn toàn nền đường cho nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giao thông ách tắc, nhiều vùng bị cô lập kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

“Thông mạch” điện, đường sau mưa lũ ảnh 1

Lực lượng chức năng khắc phục điểm sạt lở tại đèo So trên Quốc lộ 3C. (Ảnh THẾ BÌNH)

Khẩn trương khắc phục

Trong hoàn cảnh đó, ngành giao thông và ngành điện tại các tỉnh đã phát huy tinh thần “bốn tại chỗ” nhằm khẩn trương khắc phục thiệt hại, không để giao thông bị ách tắc và mất điện kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân. Ngay sau mưa lũ, ngành giao thông hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đã phối hợp các huyện, xã, nhà thầu quản lý, bảo trì đường bộ khẩn trương khắc phục sự cố, huy động cao nhất máy móc, nhân lực dọn đất đá, di chuyển cây đổ ra khỏi phạm vi mặt đường. Với sự cố gắng của ngành giao thông và chính quyền địa phương, hầu hết tuyến đường huyết mạch khi bị sạt lở được thông xe tạm ngay trong ngày.

Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên đã thành lập Sở Chỉ huy tại chỗ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Thái Bình trực tiếp điều hành. Với yêu cầu thông tuyến Quốc lộ 12 càng sớm càng tốt, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Thanh Kiên đã ra công trường chỉ huy.

Ðồng chí Trần Thanh Kiên cho biết: Cùng thời điểm lũ quét ở Mường Pồn, nhiều tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh trên địa bàn bị sạt lở, ách tắc. Song xác định tuyến giao thông trên Quốc lộ 12 từ xã Mường Pồn đi huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay sang tỉnh Lai Châu là tuyến huyết mạch, sở đã chỉ đạo tập trung ưu tiên, huy động toàn bộ máy móc, phương tiện và nhân lực khắc phục hậu quả thiên tai về Mường Pồn.

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, hơn 20 máy xúc, máy ủi với hàng trăm công nhân làm việc liên tục cả ngày đêm bốc xúc đất đá, thi công đắp nền, khắc phục hư hỏng,... Những ngày đó, Mường Pồn vẫn liên tục có mưa, lực lượng thi công vừa làm, vừa chủ động tránh lũ hết sức vất vả, hiểm nguy, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sau ba ngày khẩn trương thi công, đến 17 giờ ngày 28/7, các phương tiện xe máy, ô-tô dưới 16 chỗ đã lưu thông được trên tuyến Quốc lộ 12 qua địa bàn xã Mường Pồn.

Công ty Ðiện lực Ðiện Biên cũng chỉ đạo các điện lực trực thuộc nhanh chóng tiếp cận sự cố, đẩy nhanh tiến độ khắc phục để cấp điện trở lại cho người dân và các đơn vị sản xuất, phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, dựng lại cột điện bị đổ gãy.

Giám đốc Công ty Trần Ðức Dũng cho biết: Do giao thông gián đoạn, không thể dùng xe vận chuyển thiết bị, vật liệu, hàng trăm công nhân ngành điện đã phải vác bộ các thiết bị đến điểm bị hư hỏng. Tối 25/7, công ty cấp điện trở lại cho 828 khách hàng thuộc hai trạm biến áp thuộc huyện Tuần Giáo. Ðến trưa 28/7, ngành điện đã hoàn tất sữa chữa, khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng tại xã Mường Pồn.

Còn tại Thái Nguyên, ngay sau khi mưa giảm, các lực lượng được huy động ra hiện trường khắc phục sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ, đường huyện và đường liên xã. Trên tuyến Quốc lộ 3C có 25 điểm sạt lở, trong đó khu vực đèo So bị sạt lở rất nặng, khoảng 4.200 m3 bùn, đất, đá tràn kín mặt đường dài hàng trăm mét, khiến giao thông từ Ðịnh Hóa lên huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn) bị ách tắc.

Từ ngày 31/7, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên huy động tối đa nhân lực, phương tiện khẩn trương thi công khắc phục. Ðến rạng sáng 2/8, các đơn vị đã thông tuyến tạm thời, đáp ứng lưu lượng giao thông khá lớn từ Ðịnh Hóa lên Chợ Ðồn và ngược lại.

Công ty Ðiện lực tỉnh Thái Nguyên cũng làm hết sức để khôi phục, dựng lại cột bị gãy đổ, kéo lại dây điện bị đứt, đến 23 giờ ngày 30/7 đã khôi phục hoạt động của 60 trạm biến áp trong tổng số 80 trạm ngừng hoạt động, cơ bản cấp điện trở lại cho người dân. Riêng đường trung thế nhánh rẽ Quy Kỳ 2, 3 (huyện Ðịnh Hóa) có năm vị trí cột điện bị sạt lở chân móng, buộc phải chuyển nắn tuyến với tổng số 15 cột điện phải dựng mới.

Ðến ngày 6/8, ngành điện đã thi công xong 10 cột trên địa bàn xã Quy Kỳ, đến ngày 7/8 hoàn thành thi công năm cột còn lại để cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, năm cột điện ở đầu tuyến trên địa bàn xã Kim Phượng (huyện Ðịnh Hóa), người dân chưa đồng thuận về mặt bằng móng cột, ngành điện đang tích cực phối hợp chính quyền huyện và xã tháo gỡ vướng mắc, sớm dựng lại cột để cấp điện cho toàn bộ các hộ.

Hiện nay, ở các tỉnh phía bắc vẫn đang trong mùa mưa lũ, dự báo thời tiết những ngày tới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ sự cố rất cao. Ðể chủ động ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra, bảo đảm mạng lưới giao thông trên địa bàn thông suốt và vận hành lưới điện an toàn, các địa phương đã chỉ đạo ngành giao thông và điện lực tăng cường nhân lực kiểm tra, rà soát, củng cố lại toàn bộ hệ thống mạng lưới; bố trí lực lượng ứng trực theo phương châm “bốn tại chỗ”, có phương án khắc phục khẩn cấp, bảo đảm thông suốt về “điện, đường” trong mùa mưa lũ.

Theo Nhân Dân